Thứ Sáu, 10/06/2022, 10:05 (GMT+7)
.

Nhà lãnh đạo tài năng, người chiến sĩ cộng sản "dạ sắt, gan đồng"

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, tại làng Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Trong suốt 60 năm liên tục hoạt động cách mạng, đồng chí giữ nhiều trọng trách quan trọng trên nhiều lĩnh vực, luôn tận tâm tận lực vì công việc, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Trong chốn lao tù đế quốc, trên những chiến trường ác liệt hay khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, đồng chí luôn tỏ rõ khí chất của người cộng sản kiên cường, bản lĩnh, trí tuệ, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng, nhân dân kính trọng.

“Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu” - là phương châm sống cao đẹp của đồng chí, cũng là lời căn dặn chí tình, chí nghĩa của đồng chí đối với cán bộ, đảng viên trong việc kế tục phát triển sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo tiền bối đã dày công xây dựng.

“CON NGƯỜI THÉP”

Đồng chí Phạm Hùng thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiền bối của Đảng, của cách mạng Việt Nam. Hoạt động sôi nổi trong phong trào thanh niên, học sinh từ sớm, đến năm 18 tuổi, khi đang học năm thứ tư Trường Trung học Mỹ Tho, đồng chí Phạm Hùng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm Bí thư Chi bộ trường học.

Tháng 4-1931, khi 19 tuổi, đồng chí được Đảng tin cậy giao trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 6-1931, đồng chí bị địch bắt giam 3 năm (1931 - 1933) ở Mỹ Tho và Sài Gòn, bị địch tra tấn bằng cực hình, đã lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.

Năm 1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình xét xử “những người chống lại an ninh công cộng”, đồng chí bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.

Thái độ ung dung trước cái chết của đồng chí đã cảm hóa một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án xử tử, làm thức tỉnh lương tri và truyền niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản cho các bạn tử tù. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta và các lực lượng tiến bộ Pháp đòi ân xá tù chính trị, đồng chí được giảm từ án tử hình xuống án chung thân khổ sai và bị đày ra nhà tù Côn Đảo từ tháng 1-1934.

Gần 12 năm sống trong “địa ngục trần gian” Côn Đảo, đồng chí đã thể hiện nghị lực phi thường của người chiến sĩ cộng sản “dạ sắt, gan đồng” trước kẻ thù và luôn lạc quan, giữ vững niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.

Là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào đấu tranh ở nhà tù Côn Đảo, nhiều năm làm Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã cùng các đảng viên trong chi bộ biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức học tập lý luận về chủ nghĩa cộng sản để nâng cao nhận thức trong tù nhân và tuyên truyền giác ngộ binh lính, cai tù, giám thị.

Đồng chí đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giành sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù và đã nhiều lần dũng cảm xả thân chịu đòn thay đồng chí của mình. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cương vị Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng Côn Đảo.

Trải qua 15 năm bị tù đày trong lao tù đế quốc, hết xà lim án chém đến “địa ngục trần gian” Côn Đảo, biết bao hình phạt tàn khốc của kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được “con người thép” - người chiến sĩ cộng sản Phạm Hùng hiên ngang, bất khuất, nghĩa hiệp đã trở thành biểu tượng của ý chí và nghị lực phi thường của một thế hệ thanh niên Việt Nam yêu nước sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản.

NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG, UY TÍN LỚN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ra khỏi nhà tù, không một ngày ngơi nghỉ, đồng chí đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Đầu năm 1946, được giao trọng trách Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ và Giám đốc Quốc gia Tự vệ Cuộc, đồng chí đã nỗ lực hoàn thành tốt, trong đó có việc trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an cách mạng ở Nam bộ tuyệt đối trung thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và đấu tranh loại trừ các phần tử mật thám, tình báo của địch đã gây nhiều tổn thất cho cách mạng.

Đồng chí thường nhắc nhở cán bộ: “Đồng bào đã ủng hộ kháng chiến nhiều rồi, không nên lợi dụng dân quý mến mà nhận quà cáp của dân”. Những năm tháng gian khổ ở chiến khu miền Đông, thiếu thốn lương thực, thực phẩm, đồng chí luôn gương mẫu tham gia tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi gà, không nhận khẩu phần cơm anh em dành riêng cho mình. Đồng chí nói: “Cùng sống chung với nhau, sống chết bên nhau thì phải đồng cam cộng khổ. Tôi không thể nào nuốt cơm trôi khi các anh em húp cháo loãng”.

Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ, đảm đương nhiều trọng trách: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Bí thư Xứ ủy Nam bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư kiêm Chính ủy và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Phân liên khu miền Đông, Trưởng Phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ…, đồng chí Phạm Hùng đã cùng với tập thể lãnh đạo vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của Nam bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng để tăng cường công tác xây dựng Đảng, phát triển chiến tranh nhân dân và ra sức tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ…, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bộ và cả nước đi đến thắng lợi. Hình ảnh anh Hai Hùng -  người anh, người đồng chí, nhà lãnh đạo bình dị, nghĩa tình, kiên nghị và tài năng, đức độ vẫn còn in đậm mãi trong ký ức của đồng chí, đồng bào Nam bộ.

Năm 1956, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó tham gia vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ năm 1956 đến 1967, được làm việc gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Hùng càng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, phương pháp, phong cách, đạo đức trong sáng và vĩ đại của Người, càng củng cố niềm tin tất thắng vào sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo.

Đảm trách những nhiệm vụ quan trọng như: Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Trưởng Ban Tài Mậu của Đảng, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Bắc - Nam…

Đầu năm 1975, sau Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, thời cơ chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến, đồng chí được phân công đảm nhận trọng trách Chính ủy Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đã cùng với Tư lệnh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhất trí đề xuất và được Bộ Chính trị đồng ý quyết định đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Hùng triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội V toàn quốc của Đảng  cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang.
Đồng chí Phạm Hùng triển khai quán triệt Nghị quyết Đại hội V toàn quốc của Đảng cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Phạm Hùng đã bám sát thực tiễn chiến trường, đưa ra những nhận định và ý kiến quan trọng để Bộ Chính trị, Bộ Chỉ huy Miền, Bộ Chỉ huy Chiến dịch lãnh đạo, chỉ đạo chính xác, kịp thời, liên tục tiến công địch, giành thắng lợi vẻ vang.

Với tinh thần gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng cùng quân - dân miền Nam và cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện trọn vẹn tâm nguyện thiết tha của Bác Hồ và khát khao cháy bỏng của cả dân tộc là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm nên một trong những chiến công hiển hách nhất, chói lọi nhất trong lịch sử dân tộc ta - Chiến thắng 30-4-1975.

Tháng 6-1987, đồng chí Phạm Hùng được Quốc hội khóa VIII bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Những công việc mà đồng chí Phạm Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước giải quyết trong thời kỳ này là những bước đi quan trọng, tạo tiền đề cho những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.

Ngày 10-3-1988, đồng chí Phạm Hùng đột ngột ra đi trong lúc đang bộn bề công việc của đất nước, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và đồng chí, đồng bào. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả cuộc đời hoạt động của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; luôn yêu lao động, quý trọng thời gian, thể hiện phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, việc gì cũng có kế hoạch tỉ mỉ, chu đáo và luôn nghiêm khắc với bản thân.

HỒNG LÊ

.
.
.