Thứ Tư, 27/07/2022, 09:48 (GMT+7)
.
GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH TIỀN GIANG LÝ VĂN CẨM:

Đời đời tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn, luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Những năm qua, các chế độ, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách và người có công với cách mạng thường xuyên được đổi mới và hoàn thiện, nhằm từng bước nâng cao mức sống của đối tượng chính sách.

Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là hoạt động thường xuyên, liên tục, chứ không phải chỉ trong những dịp lễ, tết. Đồng chí Lý Văn Cẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc về công tác này nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2022).

* PV: Thời gian qua, Tiền Giang đã quan tâm thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng trong thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; được các cấp, các ngành ở địa phương phối hợp thực hiện tốt, nhất là thực hiện các phong trào chăm sóc, nâng cao mức sống gia đình người có công. Giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đúng quy định.

Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có trên 130 ngàn người có công, trong đó người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 17.542 người, hằng năm tổ chức thực hiện chi trả các chế độ, chính sách với số tiền trên 600 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chi từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định cho một số đối tượng tham gia kháng chiến khác với kinh phí khá lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh thăm và tặng quà ông Huỳnh Văn Thông bị địch bắt tù đày, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành.                                                                        Ảnh: MINH THÀNH
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh (bìa trái) và đồng chí Lý Văn Cẩm (bìa phải) thăm và tặng quà ông Huỳnh Văn Thông bị địch bắt tù đày, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành. Ảnh: MINH THÀNH

Năm nay, kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng Kế hoạch thực hiện các hoạt động tri ân các đối tượng có công với nước. Cụ thể, tập trung giải quyết xét duyệt hồ sơ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (BMVNAH), hồ sơ người hoạt động kháng chiến (HĐKC) bị địch bắt tù, đày; hồ sơ người HĐKC bị nhiễm chất độc hóa học theo quy định của pháp luật…

* PV: Xin đồng chí cho biết, những kết quả nổi bật trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh Tiền Giang?

* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Tiền Giang ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và đã trở thành nghĩa cử cao đẹp trong đời sống của các tầng lớp nhân dân. Hằng năm, toàn tỉnh vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 10 tỷ đồng, từ nguồn quỹ này đã sử dụng xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, giúp người có công giải quyết khó khăn trong cuộc sống.

Ngoài ra, còn thực hiện hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 28, ngày 8-12-2021 của HĐND tỉnh, xây dựng 325 căn, sửa chữa 884 căn nhà trong giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí trên 54 tỷ đồng. Riêng năm 2022, thực hiện 387 căn, gồm xây mới 115 căn và sửa chữa 272 căn, đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 27-7-2022.

Thực hiện tốt các phong trào chăm sóc người có công, 100% BMVNAH của tỉnh đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời; vận động phụng dưỡng cha, mẹ liệt sĩ cô đơn, hỗ trợ thương bệnh binh nặng gặp khó khăn trong cuộc sống, đỡ đầu con liệt sĩ, thương binh trong học tập, giới thiệu việc làm.

Trong năm 2022, Tiền Giang đã tổ chức đưa 210 người có công tiêu biểu viếng Lăng Bác, tham quan Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đưa 30 cựu chiến binh tham quan Nhà tù Côn Đảo. Tổ chức đưa người có công đi điều dưỡng tập trung ở các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng - nơi có Trung tâm Điều dưỡng gắn với tham quan danh lam thắng cảnh của đất nước, với số lượng trên 400 người/năm.

Tổ chức đưa người có công dự Hội nghị Biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022 tại Hà Nội. Tổ chức đưa thân nhân liệt sĩ đi dự Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Nghệ An. Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tổ chức các đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đến thăm, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu ở địa phương. Cấp huyện cũng đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, tặng quà của cấp huyện, cấp xã vào dịp lễ, tết hằng năm.

Đồng chí Lý Văn Cẩm trao Quyết định trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Võ Thị Hạnh, là con liệt sĩ, ngụ ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè.                                                                                                             Ảnh: NGỌC AN
Đồng chí Lý Văn Cẩm trao Quyết định trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Võ Thị Hạnh, là con liệt sĩ, ngụ ấp 2, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè. Ảnh: NGỌC AN

Ngành cũng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ LĐ-TB-XH đầu tư tu bổ, nâng cấp sửa chữa các nghĩa trang liệt tỉnh, huyện, xã và các nhà bia, công trình ghi công liệt sĩ ngày càng khang trang, sạch đẹp. Phối hợp Đoàn Thanh niên tổ chức Chương trình Thắp nến tri ân vào dịp kỷ niệm 27-7 hằng năm; tổ chức thắp hương, viếng nghĩa trang liệt sĩ vào dịp lễ, tết.

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, năm 2022, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup hỗ trợ cho 269 thương binh nặng (tỷ lệ từ 81% trở lên) 15 triệu đồng mỗi cô, chú và 180 BMVNAH còn sống được tặng 5 triệu đồng mỗi mẹ.

* PV: Theo đồng chí, trong giai đoạn hiện nay, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” có những thuận lợi và khó khăn gì?

  * Đồng chí Lý Văn Cẩm: Quan điểm, tư tưởng của Đảng về công tác thương binh - liệt sĩ và người có công đã được Nhà nước thể chế thành văn bản, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc cho công tác chăm sóc người có công với cách mạng, đó là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và nhiều chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Hằng năm, ngân sách nhà nước đã dành nhiều ngàn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn hoặc giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc phục hồi sức khỏe, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách… Mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp để phục vụ thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Xây dựng, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ, cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, thông báo tin mộ liệt sĩ… đã góp phần thực hiện tốt công tác tri ân, từng bước nâng cao đời sống người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Khó khăn, hạn chế hiện nay là công tác triển khai thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chế độ, chính sách mới của Trung ương ở một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực hiện thiếu đồng bộ; chưa xác định đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong việc chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, nên việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách ưu đãi kết quả chưa cao. Mặt khác, cán bộ làm công tác chính sách người có công ở địa phương còn thiếu và do luân chuyển thường xuyên nên gặp nhiều khó khăn.

Đời sống của một bộ phận gia đình chính sách, nhất là vùng sâu, vùng xa trong tỉnh còn khó khăn, việc nắm bắt, giải quyết các chế độ, chính sách chưa sâu sát, còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến chưa được xác nhận là người có công do không có đủ các giấy tờ liên quan theo quy định. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ở một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát huy người tốt, việc tốt; một số nơi còn nặng về hoạt động quyên góp, giúp đỡ vật chất.

Một số quy định về điều kiện, thủ tục hồ sơ trong việc giải quyết các chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, công nhận BMVNAH, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người có công giúp đỡ cách mạng... còn bất cập, vướng mắc.

* PV: Để khắc phục những khó khăn trên, ngành LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang sẽ có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

* Đồng chí Lý Văn Cẩm: Nhằm khắc phục những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, thời gian tới ngành sẽ nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp sau:

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình chính sách và người có công với cách mạng; về truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tập trung giải quyết kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công theo quy định của Nhà nước.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công với cách mạng thông qua các chương trình tình nghĩa, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; Tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng xã hội cùng Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo, tạo điều kiện cho người có công và thân nhân của họ tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc thương binh, bệnh binh và điều dưỡng người có công.

Tăng cường chỉ đạo xây dựng xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hằng năm có đánh giá công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn, phấn đấu giữ vững 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Tiếp tục phát động tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ trên các địa bàn còn lại. Hằng năm, các cấp chính quyền có kế hoạch nâng cấp, tu bổ phần mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn, đảm bảo các công trình thi công ngày càng khang trang, tôn nghiêm.

Thực hiện tốt việc khai thác cơ sở dữ liệu báo tin mộ liệt sĩ. Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện về kinh phí và điều kiện để sớm thử AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn chưa biết tên. Nâng cao hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; trước hết các địa phương phải bố trí cán bộ đủ năng lực, trình độ, tận tâm với nghề để giúp lãnh đạo địa phương thực thi tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn.    

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.