Thứ Hai, 24/10/2022, 21:11 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Thảo luận Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) và 2 nghị quyết

(ABO) Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24-10, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). 

Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, góp thêm một số ý kiến để hoàn thiện Nghị quyết.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng, Điều 3 về trách nhiệm của ĐBQH tại khoản 2 quy định: Trường hợp không thể tham dự phiên họp tại kỳ họp, ĐBQH có trách nhiệm sau đây:

a) Báo cáo Trưởng Đoàn ĐBQH, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội nếu vắng mặt tổng số từ 2 ngày làm việc trở xuống trong cả kỳ họp;

b) Báo cáo bằng văn bản, có nêu rõ lý do đến Trưởng Đoàn ĐBQH, đồng thời thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định nếu không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tổng số trên 2 ngày làm việc trong cả kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị làm rõ thông báo đến Tổng Thư ký Quốc hội bằng hình thức gì cần nêu cụ thể để thực hiện khi nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Về khoản 3 quy định ĐBQH trả lời phỏng vấn và cung cấp thông tin về kỳ họp Quốc hội phải bảo đảm chính xác, khách quan; không tiết lộ thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước, nội dung các phiên họp kín của Quốc hội, đại biểu cho rằng nếu không đúng thì sao, chế tài xử lý như thế nào thì Nghị quyết cũng cần làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai trả lời các ý kiến của cử tri
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Về Điều 7, quy định tài liệu phục vụ kỳ họp được gửi đến Văn phòng Quốc hội để gửi ĐBQH, danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến ĐBQH.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cho rằng việc gửi tài liệu chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị nội dung phát biểu ý kiến của ĐBQH. Tuy nhiên, lại không có các chế tài xử lý việc chậm trễ này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu vấn đề này.

Đồng quan điểm đối với những góp ý của đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - ĐBQH tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, quy định tài liệu phục vụ kỳ họp đối với các dự án luật, nghị quyết chưa quy phạm pháp luật, cần phải có văn bản giấy từ trang đầu đến trang cuối để đại biểu nghiên cứu dễ dàng và thuận lợi trong phát biểu ý kiến.

Đối với quy định về trách nhiệm của ĐBQH, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng không nên quy định quá cứng phải có mặt trên hội trường đối với các ĐBQH, bởi mỗi ĐBQH có nhiệm vụ chính trị có lúc phải giải quyết ngay, cần có quy định linh hoạt trong trường hợp đại biểu vắng mặt với lý do đột xuất...

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đã góp thêm một số ý kiến liên quan đến Điều 18 quy định thảo luận tại phiên họp toàn thể; Điều 28 về đảo đảm trật tự, an ninh và trang nghiêm tại kỳ họp Quốc hội…

Liên quan đến Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các ĐBQH nhất trí cao Tờ trình của Chính phủ, cũng như dự thảo Luật. Theo đó, việc sửa đổi Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống rửa tiền; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) đã tham khảo, cụ thể hóa các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên cơ sở phù hợp với các điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam; tham khảo pháp luật của một số quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các quy định về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, các ĐBQH đề nghị Luật phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm thực hiện tốt chủ trương của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của quốc tế. Ngoài ra, trong dự thảo Luật này nên dựa vào quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo sự thống nhất.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Về Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đại biểu tán thành cơ bản nội dung để triển khai áp dụng đồng bộ, thống nhất quy định của Đảng với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; giải quyết vướng mắc, bất cập quản lý trong thực tiễn.

Tuy nhiên, về hình thức văn bản, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, nội dung này đưa vào thành một nội dung của Nghị quyết nội dung kỳ họp là không phù hợp, mà nên nghiên cứu ban hành theo hình thức nghị quyết riêng hoặc thành Luật sửa đổi sẽ phù hợp hơn, đảm bảo về mặt pháp lý.

THU HOÀI - MINH TRÍ

.
.
.