Thứ Sáu, 18/11/2022, 10:50 (GMT+7)
.
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐƠN VỊ TỈNH TIỀN GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI:

Cử tri tập trung kiến nghị 3 vấn đề

Trong ngày 16 và 17-11, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cùng các ĐBQH đơn vị tỉnh gồm: Nguyễn Hoàng Mai, Nguyễn Thanh Cầm, Nguyễn Kim Tuyến, Nguyễn Văn Dương đến tiếp xúc cử tri các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành.

Tại các điểm tiếp xúc, ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông tin đến cử tri về hoạt động của Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh tại kỳ họp này. Tiếp đó, cử tri phản ánh, kiến nghị một số vấn đề còn bất cập, hạn chế ở địa phương.

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Nhiều cử tri các huyện Tân Phước, Châu Thành, Cai Lậy bày tỏ lo lắng về vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) có xu hướng phức tạp hơn và đã có những trường hợp để lại hậu quả thương tâm. Cử tri đề xuất cần có biện pháp mạnh hơn nữa trong phòng, chống BLGĐ.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh và các ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh và các ĐBQH lắng nghe và ghi nhận ý kiến cử tri.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Phòng, chống BLGĐ trước đây đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa giải quyết được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn đời sống. Chính vì vậy, Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã thêm một số giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong phòng, chống BLGĐ. Cụ thể, vai trò của cơ quan Công an đã được tăng cường trong phòng, chống BLGD. Công an đã có lực lượng chính quy và chuyên trách, do đó quy định rất rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, xuyên suốt từ hoạt động phòng ngừa, tin báo, tố giác, xử lý…

Thậm chí, luật còn giao cả quyền cho Công an yêu cầu, áp giải người BLGĐ đến trụ sở cơ quan Công an để xử lý. Đồng thời, nếu các đối tượng chống đối có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã được quyền quyết định cách ly người có hành vi bạo lực với người bị bạo lực trong gia đình. Một biện pháp mới nữa trong luật là người BLGĐ có thể bị buộc phải thực hiện lao động công ích tại cộng đồng.

Liên quan đến vấn đề BLGĐ, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cho biết thêm, trong quy định của Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) chú trọng đảm bảo quyền con người, lấy nạn nhân là trung tâm của luật và đề cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ. Tại Điều 50, Luật Phòng chống BLGĐ quy định là chỉ đạo UBND các cấp tổ chức thực hiện, tuyên truyền, báo cáo HĐND cùng cấp về thực trạng BLGĐ. Vai trò của ngành Công an cũng đã được nhấn mạnh trong luật; yêu cầu người có hành vi bạo lực đến trụ sở Công an để làm rõ vấn đề, tuyên truyền giáo dục. Đây là điều mà trước đây chưa có, qua đó nhằm hạn chế tối đa tình trạng BLGĐ tại các địa phương trong thời gian tới.  

TIẾP TỤC ĐƯA CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG RA ÁNH SÁNG

Cử tri huyện Cai Lậy cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng, không có vùng cấm, nhiều vụ việc tham nhũng từ nhỏ đến lớn, từ Trung ương đến địa phương đã được phá án, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng đã chịu trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, thực trạng tội phạm tham nhũng hiện đang vẫn còn nhức nhối. Cử tri mong rằng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành có giải pháp quyết liệt hơn để triệt phá tệ nạn tham nhũng, phát triển đất nước giàu đẹp hơn.

Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.
Cử tri huyện Tân Phước phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc.

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến cho biết, thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin rộng rãi các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn được các ngành chức năng phanh phui, triệt phá. Có thể thấy, hiện nay với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai một cách quyết liệt; số vụ việc được khám phá, phanh phui với số lượng tiền, tài sản tham nhũng rất nhiều. Thành công trong từng vụ án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quần chúng nhân dân.

Ngày 20-11-2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, luật đã quy định rõ về các hành vi tham nhũng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng…

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng là công tác được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Cũng giống như tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng như là ẩn số, cần các biện pháp đấu tranh, phanh phui, triệt phá. Thời gian qua, nhiều vụ tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, có những vụ việc xảy ra rất nhiều năm nhưng cũng được cơ quan chức năng đưa ra xử lý, đáp ứng nguyện vọng nhân dân…. Từ Trung ương đến địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng các cấp. Có thể nói Đảng và Nhà nước ta rất quyết liệt trong việc đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng, đem lấy niềm tin công bằng trong nhân dân.

GIẢI QUYẾT ĐẦU RA NÔNG SẢN CẦN CÓ LỘ TRÌNH

Cử tri huyện Châu Thành ý kiến, do ảnh hưởng của giá vật tư nông nghiệp tăng cao, thức ăn chăn nuôi biến động, đầu ra nông sản bất ổn… khiến người dân gặp khó, đề nghị cấp trên quan tâm có giải pháp giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Trước vấn đề trên, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành cho biết, thực trạng trên không riêng gì ở huyện Châu Thành, mà là tình trạng chung của nông nghiệp Việt Nam.Việc quy hoạch chưa bài bản khiến nông sản còn gặp khó khăn, được mùa mất giá thường xuyên xảy ra. Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đang vào cuộc dần xác định lợi thế vùng miền cụ thể để đề ra giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù kinh tế từng địa phương, hạn chế mức thấp nhất tình trạng trên. Đồng thời, tại các diễn đàn, hội thảo cũng đã và đang tổ chức xây dựng quy hoạch từng vùng cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành khuyến nghị người dân cân nhắc trong việc trồng các loại cây ăn trái ồ ạt theo thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp tăng công suất sản xuất để bảo đảm nguồn cung trong nước, chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đồng cảm và chia sẻ với cử tri; đồng thời, cho biết toàn bộ hệ thống chính trị từ cơ sở đến Trung ương rất quan tâm vấn đề sản xuất của nông dân thời gian qua. Tại các diễn đàn Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề này, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT rất trăn trở về vấn đề làm sao cho nông dân yên tâm sản xuất và phát triển một cách bền vững.

Đối với kiến nghị chính sách hỗ trợ người dân, đây là vấn đề trăn trở của các cấp chính quyền vì cần nguồn kinh phí rất lớn. Thay vào đó sẽ tìm phương thức để hỗ trợ đầu ra nông sản và các hoạt động đằng sau sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, Nhà nước tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài và kể cả trong nước nhằm tạo lượng tiêu thụ lớn để nguời dân an tâm đầu ra. Các giải pháp đã có nhưng ngành Nông nghiệp cần có lộ trình, thêm thời gian mới triển khai đồng bộ hiệu quả. Đại biểu kỳ vọng những hạn chế trên sẽ sớm được tháo gỡ.

NHÓM PHÓNG VIÊN

.
.
.