Thứ Năm, 03/11/2022, 21:04 (GMT+7)
.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang: Góp nhiều ý kiến đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

(ABO) Ngày 3-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến thảo luận đối với Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 18 Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Lần sửa đổi luật này, đại biểu mong muốn sửa đổi một cách toàn diện, căn cơ nhất, đảm bảo hành lang pháp lý vững chắc để luật đi vào cuộc sống, tạo động lực mới, nguồn lực mới cho đất nước; đảm bảo cuộc sống của người dân, đảm bảo an sinh xã hội và an dân.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị rà soát giải thích từ ngữ, cách sử dụng các thuật ngữ trong dự thảo Luật để bảo đảm cụ thể, rõ ràng, thống nhất trong chính Luật này và thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời cho ý kiến đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Cho ý kiến đối với Dự án Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai tán thành việc quy định đối với các dự án thuộc các mục đích thương mại theo cơ chế thỏa thuận giữa các nhà đầu tư với những người có quyền sử dụng đất. Đại biểu cho rằng, luật nên có những quy định cụ thể hơn về việc này, thậm chí có thể nghiên cứu phương án cho người dân có quyền sử dụng đất tham gia góp vốn với nhà đầu tư thương mại. Tuy nhiên cần phát huy vai trò quản lý nhà nước trong xác định giá trị quyền sử dụng đất để người dân tham gia góp vốn.

Liên quan đến vấn đề giao đất, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, qua quá trình giám sát thực tiễn trong lĩnh vực xã hội cho thấy khi chúng ta thực hiện xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực y tế, bệnh viện tư nhân phát triển nhưng tốc độ không đạt theo mong muốn và còn rất xa với mục tiêu mà chúng ta đã xác định, trong đó có một nguyên nhân rất lớn là vấn đề đất để xây dựng các cơ sở bệnh viện tư nhân như thế nào.

Hiện nay, phải thực hiện thông qua đấu giá, trong khi thực tế cho thấy, nếu đấu giá để thực hiện một cơ sở bệnh viện tư nhân so với đấu giá để làm một dự án về thương mại thì chắc chắn là dự án thương mại hiệu quả cao hơn rất nhiều. Do đó, đại biểu kiến nghị trong vấn đề giao đất phải tiếp tục rà soát những lĩnh vực rất cần thiết cho đời sống xã hội mà thực hiện cơ chế giao đất không thông qua đấu giá, có thể giao đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, tiền sử dụng đất nhưng không thông qua cơ chế đấu giá và khi đã giao đất phải có điều kiện kèm theo, tức là nhà đầu tư phải thực hiện đúng mục tiêu, nếu không thực hiện đúng mục đích của dự án đó thì thu hồi đất đã giao. Chẳng hạn như giao để xây dựng bệnh viện mà sau khi được giao rồi chuyển đổi sang làm việc khác thì thu hồi ngay.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Văn Dương phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ.

Vấn đề một số nhà đầu tư thu gom đất rồi để trống trong thời gian rất dài. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng thời gian qua, dù có quy định sau một thời gian giao đất nếu không thực hiện sử dụng đất thì nhà nước thu hồi. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Hoàng Mai giải pháp này vẫn còn để đất bỏ hoang nhiều. Vì vậy, đại biểu đề nghị nghiên cứu một cơ chế mới, có thể là đánh thuế lũy tuyến vào thời gian không sử dụng đất. Ví dụ một năm đầu không sử dụng đất thì đánh thuế bao nhiêu %, bước sang năm thứ 2 tiếp tục không sử dụng đất thì đánh thuế lũy tuyến cao gấp nhiều lần, làm sao cho người ta sợ để không dám để đất hoang.

Còn đại biểu Nguyễn Văn Dương góp ý đối với việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình và cá nhân tại Điều 181, đại biểu thống nhất với hạn mức không quá 15 lần hạng mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân đối với mỗi loại đất quy định tại Khoản 1, 2, 3 tại Điều 180 luật này.

Như vậy, tùy loại đất mà hộ gia đình, cá nhân có thể nhận đến 450 ha (đất rừng sản xuất hoặc đất rừng phòng hộ). Đại biểu Nguyễn Văn Dương tán thành với điều này. Bởi hạn mức diện tích đất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân tạo thành rào cản cho nhà đầu tư sản xuất. Đối với người sản xuất lớn cần nhiều diện tích hơn mới đạt được năng suất cao, nhưng vì quy định về hạn mức nên muốn thực hiện thì phải nhờ người khác đứng tên rồi ủy quyền ngược lại cho người trực tiếp sản xuất. Từ đó xảy ra rủi ro pháp lý ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh, trong thực tế đã xảy ra trường hợp như thế.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương cho rằng, theo dự thảo luật sẽ tạo tiền đề để phát triển kinh tế nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn trong thực tiễn chúng ta đã thấy có nơi đã tích tụ ruộng đất, ví dụ như ở tỉnh Long An, có doanh nghiệp trồng chuối già lên đến 70 ha, đã được quy hoạch, ứng dụng khoa học hiện đại và xuất khẩu. Điều này cho thấy, việc tích tụ ruộng đất với quy mô lớn như thế sẽ tạo điều kiện tiền đề đế phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn, kế tiếp để tích tụ ruộng đất nông nghiệp là quá trình phân bổ lại mảnh đất nhằm bỏ hạn chế tình trạng manh mún đất đai.

Quang cảnh thảo luận tại tổ
Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Về tính tất yếu đặt ra yêu cầu đối với đổi mới chính sách, pháp luật tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đất nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp bỏ hoang do làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị và những ảnh hưởng của môi trường biến đối khí hậu khắc phục bất cập trong thực tế phát sinh từ quy định hiện hành.

Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp là phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại nền nông nghiệp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức. Việc quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương là cần thiết. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định cơ chế giám sát để quản lý việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đúng mức, đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng quyền lợi để chuyển sang mục đích khác.

MINH TRÍ - THU HOÀI

.
.
.