.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm

Cập nhật: 10:39, 02/06/2023 (GMT+7)

Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí...

Ngày 1/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành văn bản về việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Văn bản nêu rõ, từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,…

Đến tháng 5/2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các vị đại biểu Quốc hội qua thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, lắng nghe ý kiến của người dân và cộng đồng doanh nghiệp thì thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; một số nơi chưa nghiêm, còn có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định....

b
b

Đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định

Trước những vấn đề tồn tại nêu trên, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong đó, nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong kiểm tra, thẩm định, đánh giá, xét duyệt; các hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xã hội hóa các dịch vụ hành chính công đủ điều kiện. Các nhiệm vụ này hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30/9 tới đây.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định thủ tục hành chính; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết.

Cùng với đó là tăng cường phân cấp, ủy quyền, phân bổ nguồn lực trong thực hiện thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, tránh hình thức, phong trào, không thực chất, không hiệu quả...

Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện công khai, minh bạch đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, theo dõi, giám sát, đánh giá.

Bộ, ngành, địa phương rà soát, công bố, cập nhật, công khai đầy đủ các bộ phận cấu thành của thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo đúng quy định, hoàn thành trong tháng 9/2023.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng.

Trong đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà, nhất là làm phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp.

“Chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không xử lý hoặc kéo dài thời gian xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo VietNamNet

.
.
.