Chủ Nhật, 26/10/2014, 06:14 (GMT+7)
.
Thực hiện Di chúc của Bác, chung tay chăm lo cho nhân dân

Bài 3: Nỗ lực chăm lo cho nông dân

Bài 1: Chăm lo cho gia đình chính sách
Bài 2: Điểm tựa của cựu chiến binh

Đối với nhân dân lao động, trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Nhân dân lao động ta từ miền xuôi cũng như miền núi đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Thực hiện lời dặn của Người, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh với nhiều phong trào thi đua thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân.

TỪ CHĂM LO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT

Có thể nói, gắn bó và gần gũi nhất với người nông dân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình là Hội Nông dân. Thật vậy, trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tạo mọi điều kiện để nông dân tiếp cận nắm bắt và vận dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

Nông dân huyện Tân Phước thu hoạch khóm.
Nông dân huyện Tân Phước thu hoạch khóm.

Với phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã và đang được Hội Nông dân tỉnh thực hiện có hiệu quả, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều điển hình.

Cụ thể, tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp tỉnh năm vừa qua, có đến 324 nông dân tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng; trong đó có 8 nông dân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng 16 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 300 Bằng khen. Hội nghị cũng đã giới thiệu ông Lê Phước Lộc (huyện Cái Bè) là hội viên Hội Nông dân tiêu biểu tham dự Hội nghị biểu dương nông dân tiêu biểu toàn quốc lần thứ I tại Hà Nội.

Nông dân Võ Ngọc Diệp, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) chỉ có gần 1 ha trồng thanh long, nhưng do biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong xử lý ra hoa trái vụ, hàng năm cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng, kinh tế gia đình rất ổn định.

Và còn rất nhiều nông dân “ăn nên làm ra” từ phong trào này thông qua nhiều mô hình như: Mô hình nuôi gà ri trên nền “đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên, ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo) với trên 1.000 con, hàng tháng cho thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng, đặc biệt mô hình không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Theo anh Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Chợ Gạo luôn là thế mạnh của tỉnh. Đàn gia cầm trong huyện hiện lên đến khoảng 1,8 triệu con, chủ yếu gà công nghiệp, vịt và gà tàu thả vườn. Nhiều hộ nông dân đã làm giàu từ phong trào chăn nuôi do thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường và kỹ thuật chăm sóc qua các buổi sinh hoạt do Hội Nông dân các cấp tổ chức.

Chị Nguyễn Thị Xuyên, tên thường gọi Sáu Xuyên (54 tuổi), ngụ ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được nhiều người dân trong huyện Tân Phước biết đến. Gần 20 năm đến khai phá vùng đất hoang hóa này từ đôi bàn tay trắng, nay gia đình chị đã có được cơ nghiệp vững vàng nhờ chuyên canh cây khóm (diện tích 18 ha) và kinh doanh cây cừ tràm, thu nhập bình quân hàng năm từ 200 - 300 triệu đồng, lo cho 4 đứa con có công ăn việc làm ổn định. Chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương.

Ở huyện Tân Phước, 2 loại cây trồng chủ lực là khóm và khoai mỡ. Hội Nông dân luôn đóng vai trò rất quan trọng đối với bà con nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn sản xuất và qua những buổi tọa đàm, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt trên vùng đất mới này, giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, trong năm qua, các cấp Hội trong tỉnh vận động được trên 1 tỷ đồng, Trung ương phân bổ 6 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ nông dân Tiền Giang; đồng thời Hội còn tranh thủ nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Hội và của tỉnh; phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ liên doanh vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh.

Song song đó, các cấp Hội Nông dân còn mở các lớp dạy nghề nông thôn cho trên 4.500 nông dân, trong đó có nhiều lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, triển khai các chương trình, dự án, dịch vụ hỗ trợ… cho bà con nông dân sát với tình hình thực tế của địa phương.

ĐẾN CHĂM LO ĐỜI SỐNG TINH THẦN

Hàng năm, Hội Nông dân các cấp còn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của hội viên và nông dân như: Tổ chức thăm, tặng quà nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc và nhân các dịp lễ lớn… Cụ thể, trong năm 2013 các cấp Hội Nông dân đã vận động được 3.765 phần quà, tổng trị giá 900 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình hội viên nghèo vui xuân đón tết.

Hay như dịp Tết vừa qua, Hội phối hợp với đoàn y - bác sĩ Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh xuống các xã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 600 hội viên và nông dân ở huyện Cái Bè và TX. Gò Công; sửa chữa và xây dựng mới 19 căn nhà đại đoàn kết cho hội viên nghèo, trị giá trên 400 triệu đồng; vận động Công ty Phân bón hữu cơ Lio Thái tặng 11.000 quyển tập cho học sinh nghèo ở nông thôn…

Các cấp Hội còn chú trọng đến đời sống tinh thần của hội viên và nhân dân qua việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực này, Hội Nông dân ở cơ sở tổ chức sinh hoạt rất sôi nổi, thu hút đông đảo nông dân tích cực tham gia, nổi bật là Giải Bóng đá truyền thống nông dân và Hội thi “Tiếng hát đồng quê”…

LÊ HUỲNH
Bài 4:
Đem đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

.
.
.