Thứ Tư, 29/10/2014, 05:57 (GMT+7)
.
Thực hiện Di chúc của Bác, chung tay chăm lo cho nhân dân

Bài 4: Đem đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ

Bài 1: Chăm lo cho gia đình chính sách
Bài 2: Điểm tựa của cựu chiến binh
Bài 3: Nỗ lực chăm lo cho nông dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm trân trọng đối với phụ nữ. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng của Bác đã dành cho phụ nữ sự quan tâm sâu sắc. Di chúc có ghi: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

TỪ CHỦ TRƯƠNG

Thực hiện Di chúc của Bác, vấn đề phụ nữ và trẻ em gái luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, Luật Bình đẳng giới được Quốc hội Khóa XI - Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29-11-2006. Tiếp đó, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là 2 văn bản quan trọng thể hiện rõ những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và sự chỉ đạo tổ chức thực hiện của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và công tác phụ nữ; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác phụ nữ. Phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ Tiền Giang nói riêng rất vui mừng vì sự ra đời của 2 văn bản quan trọng này.

Ở Tiền Giang, qua nhiều năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành, thị đều nghiêm túc triển khai quán triệt và tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Tỉnh đã thực hiện mục tiêu “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam, nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” đạt kết quả cao hơn mong đợi.

Liên tục trong nhiều năm qua, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực vận động, hỗ trợ các điều kiện để phụ nữ dưới 40 tuổi học diện chống mù chữ. Đến nay, tỷ lệ nữ biết chữ của độ tuổi dưới 40 trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả 4 xã khó khăn của huyện Tân Phú Đông (nếu trừ diện miễn) đều đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu là 99,9% vào năm 2015.

Việc bình đẳng giới trong giáo dục phổ thông khá tốt, tỷ lệ học sinh nam và nữ ở các cấp học gần tương đương nhau. Riêng giáo dục đại học và sau đại học tuy tỷ lệ nữ thấp hơn nam nhưng hàng năm đều có tăng lên.

Mục tiêu “Đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” thực hiện khá tốt. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn.

Ngành Y tế đã mở nhiều lớp đào tạo về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bác sĩ sản khoa, nữ hộ sinh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nên đã giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa. Công tác tư vấn tại các cơ sở y tế được chú trọng.

Tại các trạm y tế có phòng tư vấn giúp cho đối tượng tư vấn hiểu biết về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. Với những điều kiện trên đã góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trong đó, tỷ số giới tính khi sinh 6 tháng đầu năm nay của tỉnh là 108 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2013 là 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái); tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản giảm từ 16/100.000 năm 2013 xuống còn 0/100.000 tính thời điểm hiện tại; phụ nữ có thai nhiễm HIV giảm 0,75% so với năm 2013 và 100% được chăm sóc, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm đang dần rút ngắn. Phụ nữ nghèo ở nông thôn được tạo điều kiện tiếp cận đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Các ngành, các cấp cũng đã nỗ lực tạo cơ hội cho phụ nữ có việc làm, phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn giải quyết việc làm và các dự án của các tổ chức phi chính phủ... Qua đó giúp các chị tăng thêm thu nhập nhằm ổn định đời sống của bản thân và gia đình.

ĐẾN NỖ LỰC BẢN THÂN

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, những năm qua phụ nữ Tiền Giang đã có nhiều nỗ lực vươn lên, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ và những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Phụ nữ đã có mặt và ghi dấu ấn tốt đẹp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhiều phụ nữ chứng tỏ được năng lực và bản lĩnh của mình trong vai trò lãnh đạo và quản lý. Trong đời sống xã hội, ngày càng có nhiều chị em hội viên phụ nữ có thêm việc làm, mở thêm ngành nghề mới để vươn lên thoát nghèo bền vững gắn với phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. 

Khắc ghi và thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua Hội LHPN Tiền Giang đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ.

Các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc’’ gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”.

Có 100% hội viên phụ nữ tích cực tham gia, nỗ lực thực hiện không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng yêu thương và biết ơn vô hạn đối với Bác; đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, hội viên, chuyển từ “học tập” sang “làm theo” tấm gương của Bác trong thực hành tiết kiệm bằng những việc làm thiết thực qua các mô hình như: Nuôi heo đất, Hủ gạo tình thương…

Tổng số tiền tiết kiệm được 45,5 tỷ đồng, giúp đỡ cho trên 27.000 lượt phụ nữ và hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 267 “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Riêng công tác vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội LHPN thực hiện đa dạng, thiết thực, đạt kết quả cao, thông qua những việc làm cụ thể: Rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, hỗ trợ nghề, tạo việc làm mới, giúp các chị em tiếp cận được với các nguồn vốn vay từ các chương trình, dự án và từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tính đến nay, các cấp Hội đã giúp cho gần 90.000 lượt phụ nữ vay vốn, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng; dạy nghề cho trên 9.800 lao động nữ; giới thiệu việc làm ổn định cho 7.500 lao động nữ. Qua đó, đã giúp cho gần 5.600 hộ thoát nghèo bền vững.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Khỏi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thời gian tới Hội LHPN Tiền Giang tiếp tục xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, cải tiến lề lối làm việc trong toàn hệ thống hội; chú trọng thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ nữ; tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với nội dung rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ kính yêu đã dành cho phụ nữ.

THỦY HÀ
Bài cuối: Không quên người yếu thế

.
.
.