Phan Thị Bạch Vân: Nữ lưu đất Gò Công
Chân dung bà Phan Thị Bạch Vân. |
Bà tên thật là Phan Thị Mai, sinh năm 1903 ở Biên Hòa. Nhà nghèo, lấy chồng năm 17 tuổi, nhưng hôn nhân sớm tan vỡ. Sau đó bà kết hôn với ông chủ hiệu thuốc Võ Đình Dần, rồi theo chồng về Gò Công sinh sống.
Bà bắt đầu viết báo từ năm 1928 và sáng lập ra Nữ lưu thơ quán, đặt trụ sở tại số 24 - 26, đường Chủ Phước (nay là đường Phan Bội Châu, phường 1, TX. Gò Công), gây tiếng vang trong văn giới Nam kỳ hồi những năm đầu thế kỷ XX.
TRANH ĐẤU CHO NỮ QUYỀN
Phan Thị Bạch Vân là một cây bút rất đa dạng. Bà dịch thuật, viết tiểu thuyết, xã thuyết, làm thơ… Là trợ bút của Đông Pháp thời báo, bà viết về rất nhiều đề tài, nhưng tập trung nhất là các bài viết bênh vực quyền lợi phụ nữ, đấu tranh cho nữ quyền.
Những bộ tiểu thuyết như Giám hồ nữ hiệp, Nữ anh tài… được viết với bút danh Hoàng Thị Tuyết Hoa, thể hiện tinh thần người phụ nữ mới. Qua nhân vật, bà muốn xây dựng hình ảnh một “nữ hiệp, nữ kiệt” Việt Nam với tài trí không kém phụ nữ nước ngoài.
Trong bài giới thiệu quyển Gương nữ kiệt viết về bà Roland - một nữ anh hùng của nước Pháp, bà công khai bày tỏ chính kiến “Đương lúc nước mất dân tàn, trông mong vào những bực trượng phu ra tay cứu chữa, mà cũng trông mong vào những trang nhi nữ ghé vai gánh lấy cái trách nhiệm chung; nước nào nam giới nữ giới đều có người thì nước ấy hẳn không đến nỗi để cho người ngoài giày xéo. Chúng ta đọc truyện bà Rô-Lăng nước Pháp, sao không nhớ đến bà Trưng bà Triệu là những bà mẹ yêu quý của chúng ta, rồi lại nghĩ đến cái bổn phận, cái cảnh ngộ của chúng ta ngày nay mà ngậm ngùi đau đớn”.
Nữ lưu thơ quán do Phan Thị Bạch Vân sáng lập, xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ với mục đích “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao”.
Tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, có tiểu thuyết ái tình, sách danh nhân, lịch sử, khoa học, triết học, chính trị. Đặc biệt, Nữ lưu thơ quán có rất nhiều sách dành riêng cho phụ nữ như: Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng… và sách dạy đạo vợ chồng, sinh sản, nuôi nấng con cái.
Tất nhiên là nhà cầm quyền lúc đó không thể để yên cho việc công khai truyền bá tư tưởng “thương nước, thương dân, lo cho hậu vận nước nhà, ham mến quốc văn, bảo tồn quốc túy” của Nữ lưu thơ quán. Ngày 20-9-1928, chính quyền thực dân Pháp ban hành Nghị định cấm lưu hành quyển Gương nữ kiệt của tác giả Phan Thị Bạch Vân.
Tiếp theo, ngày 24-11-1928 quyển Giám hồ nữ hiệp do Nữ lưu thơ quán xuất bản cũng bị cấm. Năm 1929, Nữ lưu thơ quán có 3 quyển bị cấm lưu hành gồm: Nữ anh tài (quyển IV) của Hoàng Thị Tuyết Hoa (tức Bạch Vân) - Nghị định ký ngày 5-9-1929); Hồn tự lập (quyển I và II) của Á - nam Trần Tuấn Khải - Nghị định ký ngày 9-9-1929 và ngày 11-10-1929. Quyển sách cuối cùng bị cấm lưu hành đồng thời với Nữ lưu thơ quán bị đóng cửa là quyển Băng tâm Ngọc Chất - Nghị định ký ngày 13-12-1929.
Nữ lưu thơ quán tồn tại chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, nhưng đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục… có giá trị, góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, đặc biệt là cho phụ nữ.
Trong bài “Mối cảm tình đối với Phan Thị Bạch Vân nữ sĩ “ của tác giả LV đăng trên Tiểu Trung Lập (phụ bản Báo Trung Lập) ngày 9 Fevrier 1930 có đoạn viết “Xét ra thì trong Nam kỳ ta xưa nay chưa có một thơ quán tạp chí nào để thông tư tưởng nữ lưu cho chánh đáng bằng Nữ lưu thơ quán ở Gò Công mà cô Phan Thị Bạch Vân đề tạo ra đó.... Ngày nay có phải bị việc chẳng may làm ngăn trở cái chí nhiệt thành của cô, thật là một việc đáng tiếc, đáng buồn cho chị em ta lắm…”.
Bài tường thuật của Báo Trung Lập ngày 13 Février 1930 về vụ xét xử bà Vân. |
CÃI LÝ TẠI TÒA
Báo Trung Lập (số ra ngày 13 Février 1930) tường thuật, 8 giờ sáng ngày 10 Février 1930, bà Bạch Vân bị giải ra tòa Mỹ Tho xét xử.
Trước lời buộc tội của ông Chánh tòa Chélier và Biện lý Léger, bà đã phủ nhận “làm rối trị an dân chúng bằng việc viết sách”. Bà nói “vì tôi thấy đàn bà An Nam còn dốt nhiều và bị áp chế dưới quyền đàn ông nên tôi viết ra những quyển sách ấy cố tâm khuyến dụ người đàn bà lo học thêm để mở mang trí thức, tập luyện các nghề nghiệp như đàn ông”.
Tòa đã vịn vào hai chữ “tham chính” trong một bài viết để buộc tội bà xúi phụ nữ Việt làm quốc sự. Bà cho rằng, ai đó đã cố tình dịch sai từ tham chính (service puplic) có nghĩa là “việc chung”.
Ý kiến của bà được ông trạng sư Vincent Toti đồng tình và bênh vực cho bà: “Tôi tưởng vụ này không đáng tội vạ gì hết, mà lại là một chuyện nên khen thân chủ của tôi biết đường giải nghiệp cho phụ nữ và chính cô ta cũng đã làm gương bằng việc lập nhà in thơ quán”.
Ý kiến của trạng sư Vincent Toti khiến phiên tòa phải đình lại và 8 ngày sau tòa Mỹ Tho tuyên bố bà trắng án.
Trả lời Báo Trung Lập ngay sau phiên tòa, bà Vân tâm sự: “Nghĩ lại câu làm nghịch chánh phủ mà tòa đã buộc mà phải thẹn cho tôi chẳng xứng với cái danh đó vậy. Lòng lại hỏi lòng từ ngày chường mặt với quốc dân tới nay có làm gì được điều chi gọi là giúp ích cho chị em”.
Bà cho biết, sẽ tạm nghỉ để tịnh dưỡng ít lâu, song nghiệp văn chương thì chưa dứt được, hẹn có dịp sẽ hội ngộ.
Phan Thị Bạch Vân đã đóng góp cho văn học Nam bộ một phong cách riêng với tư tưởng rất tiến bộ. Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm của bà vượt trội cả về nội dung và nghệ thuật so với các cây bút nữ đương thời. Bà mất ngày 2-8-1980 tại TP. Hồ Chí Minh, di cốt hiện được gửi tại chùa Giác Ngộ (đường Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP. Hồ Chí Minh).
NGUYỄN NGỌC PHAN