Thứ Tư, 25/09/2013, 12:01 (GMT+7)
.

Mộc mạc bông điên điển mùa lũ

Như đã hẹn trước, khi dòng nước lũ ở thượng nguồn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đổ về thì bông điên điển cũng nở rộ vàng ươm ở các tỉnh miền Tây như báo hiệu mùa lũ đến.

Cây điên điển là loài cây họ đậu thân gỗ nhỏ, sống lâu năm ở vùng ngập nước theo mùa. Theo người dân vùng lũ, lá điên điển giàu đạm, còn thích hợp làm thức ăn nuôi cá, dê, thỏ…

Cây này còn một tác dụng nữa là cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, do rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh. Là loài cây hoang dã nên nó dễ thích nghi với môi trường, có sức cạnh tranh mãnh liệt với sâu bệnh và các cây cỏ khác.

Bông điên điển là đặc ân mà thiên nhiên ban tặng riêng cho loài cây dại này. Bông có màu vàng tươi, kích thước 15-20 mm, là thức ăn giàu dinh dưỡng. Mùa điên điển nở rộ vào khoảng tháng 9-10 trùng với mùa lũ lên cao ở vùng ĐBSCL.

Nếu như trước đây, bông điên điển chỉ được xem là là một loại rau của người dân ở các tỉnh miền Tây khi nước lũ về thì nay nó đã trở thành đặc sản, có mặt trên các bàn tiệc ở nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP. Hồ Chí Minh.

Hiện nay, tại một số chợ ở Phú Cường (huyện Cai Lậy), xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè) đã có bày bán bông điên điển đầu mùa với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Bông điên điển được dùng để ăn sống, nhúng lẩu chua cá linh hay lẩu mắm kho, làm dưa chua (thường kết hợp với giá), làm gỏi với tép đồng… Đặc biệt, khi về An Giang và Sóc Trăng vào mùa nước nổi sẽ có bún nước lèo độc đáo với loại rau ghém độc nhất là bông điên điển mang lại hương vị dân dã nhưng cực kỳ hấp dẫn.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của đông y và kinh nghiệm dân gian của người dân ĐBSCL, bông điên điển chưng cách thủy với đường phèn, mỗi ngày ăn 100-200 gam liên tục trong nhiều ngày, là một bài thuốc bổ tim hữu hiệu.

HOÀNG AN

.
.
.