Nhớ mãi vị ngọt con tép đồng
Tép đồng hiện nay đang có nhiều trong các mương trồng hoa màu ở các huyện phía Đông của tỉnh. Để bắt tép đồng, người dân thường sử dụng nhiều loại công cụ như vó, lưới, “đuôi chuột” (bện bằng lưới hoặc đan đan bằng tre vót nhẻ)…
Tép đồng nhỏ hơn tôm sinh sôi xuất hiện nhiều vào mùa mưa và có vị ngọt, giòn, thơm. Con tép đồng được chế biến thành nhiều món ăn dân dã như: tép rang, gỏi tép trộn đu đủ, nhân bánh xèo, tép um cuốn bánh tráng, mắm tép… nhưng cực kỳ hấp dẫn.
Tép đồng tuy nhỏ nhưng vị ngọt không kém gì các loại tôm. |
Tép đồng tươi sống khi bắt lên còn nhảy lách tách. Sau khi cho vào nước và rửa sạch nhiều lần rồi để ráo, tép được cho vào chảo có dầu ăn hoặc mỡ nóng có phi hành. Xào vài phút thì thêm gia vị vừa ăn, nhỏ lửa đến khi con tép từ màu trắng đã chuyển sang màu hồng nhạt là chín. Món này được dùng để ăn với cơm nóng hoặc cuốn bánh tráng ăn kèm rau sống chấm nước mắm tỏi ớt rất ngon và hấp dẫn.
Món tép đồng rang chế biến đơn giản. |
Ngoài ra, mắm tép hiện là món đặc sản chỉ có trong mùa mưa là thời điểm tép sinh sản nhiều. Tép sau khi bắt về, nhặt bỏ rác, rửa rất sạch.
Tép được trộn với muối và bột gạo rang nghiền thành thính gạo theo tỷ lệ khoảng cứ mười bát tép là bốn bát muối, hai bát gạo rang giã nhỏ. Trộn đều nguyên liệu sau đó cho vào hũ hoặc vò rồi bịt kín bằng bát ăn cơm ngoài cùng chít đất, ủ khoảng 1 tháng thì ăn được.
Ở miệt Gò Công, người làm mắm thường sử dụng cả đường, bột ngọt, gừng, riềng, tỏi, ớt băm, rượu trắng để trộn vào tép làm mắm. Sau khi thành phẩm hoàn tất mắm lại được trộn với đu đủ ửng đỏ nhưng chưa chín mềm, xắt nhỏ...
Nếu như con tép đồng trước đây chỉ được xem là món ăn của người dân nông thôn trong thời điểm khó khăn (mùa mưa, lũ) thì nay đã trở thành món đặc sản khó tìm ở các quán ăn, nhà hàng.
MỸ AN