Thứ Ba, 27/08/2013, 10:53 (GMT+7)
.

Nên hay không đốn bỏ cây ca cao?

Thời gian gần đây, nhiều thông tin rộ lên cho rằng nông dân đang ào ạt đốn bỏ cây ca cao đã làm cho người trồng ca cao trong tỉnh rất hoang mang. Qua tìm hiểu được biết, có hàng trăm ha ca cao trồng xen trong vườn dừa ở tỉnh Bến Tre bị người dân đốn bỏ để trồng cây có múi, một số diện tích cây ca cao bị chết do thiếu chăm sóc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thời gian qua giá trái và hạt ca cao xuống thấp, trong khi đó giá trái cây có múi như bưởi da xanh, cam sành, chanh lại giữ ở mức cao, nhất là giá bưởi da xanh có thời điểm lên đến 60.000 đồng/kg  đã làm cho người dân quay lưng với cây ca cao.

Trái ca cao. Ảnh: Vân Anh
Nông dân nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định đốn bỏ ca cao để không bị thiệt hại vì phải đi vào vòng luẩn quẩn: trồng-chặt-trồng. Ảnh: Vân Anh

Ở Tiền Giang có hơn 1.300 ha ca cao, phần lớn được trồng xen trong vườn dừa ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông; một số diện tích trồng xen trong vườn cây ăn trái ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Đến nay chưa xảy ra tình trạng đốn bỏ ca cao để trồng cây có múi như ở Bến Tre, nhưng các vườn ca cao trồng xen trong vườn dừa hầu hết đều không được chăm sóc, không được quan tâm tỉa cành tạo tán, quản lý sâu bệnh... nên xuống cấp nghiêm trọng.

Người dân không quan tâm đầu tư do giá ca cao xuống thấp trong khi chi phí vật tư, công lao động lại cao, đốn bỏ thì không đành lòng nhưng đầu tư chăm sóc thì bị thua lỗ... một số khác đang băn khoăn không biết nên tiếp tục chăm sóc hay đốn bỏ ca cao vì ít nhiều ca cao cũng cạnh tranh dinh dưỡng với cây dừa, một số khác cũng muốn chuyển sang trồng cây có múi như các vườn trồng xen dừa ở Bến Tre.

Trước tình hình giá nông sản ở nước ta không ổn định, việc dự tính, dự báo giá cả thị trường nông sản chưa tốt thì theo tôi, nông dân nên bình tĩnh suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định nên làm gì với vườn ca cao của mình.

Tình trạng trồng rồi đốn bỏ, xong lại trồng... đã từng xảy ra trên nhiều loại  cây trồng nhưng rõ ràng không phải lúc nào cây được chọn trồng mới cũng mang lại hiệu quả cao, vì liệu cây trồng đó có thích nghi được với điều kiện đất đai của mình không, nông dân đã nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý sâu bệnh trên loại cây trồng này chưa?... và điều quan trọng nữa là khi ta có sản phẩm để bán thì không biết loại cây trồng này có giữ giá bán hấp dẫn như khi chúng ta trồng không?

Do đó, theo tôi nông dân không nên đốn bỏ ca cao vì hầu hết các vườn ca cao đến giai đoạn chỉ cần chăm sóc là có thu hoạch, mà bản thân cây ca cao chỉ giúp tăng thêm thu nhập, không cạnh tranh với cây dừa nhiều (chỉ cần một ít phân bón). Mặt khác, ca cao lại ít sâu bệnh mà các đối tượng gây hại trên dừa và ca cao không giống nhau.

Đối với những bà con nông dân muốn đốn ca cao trồng bưởi da xanh cần lưu ý là cây bưởi da xanh không phải là cây trồng thích hợp để trồng dưới tán dừa vì cây bưởi cần nhiều ánh nắng để cho năng suất, chất lượng.

Hơn nữa, để cây bưởi da xanh cho năng suất, chất lượng thì người trồng phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, quản lý sâu bệnh. Ngoài ra, cần xem lại khả năng thích nghi của cây bưởi da xanh ở từng vùng đất vì cây trồng này khó tính hơn các cây có múi khác như bưởi lông Cổ Cò, chanh.

Hiện nay các công ty thu mua hạt ca cao vẫn đang hoạt động với nhu cầu thu mua cao hơn sản lượng hiện có. Điều đó cũng có nghĩa là nông dân trồng ca cao đã có đơn vị thu mua đặt hàng. Với 3 nhà thu mua lớn hiện nay được đặt tại vùng nguyên liệu thì chắc rằng người trồng ca cao sẽ bán được với giá cạnh tranh nhất (không sợ ép giá).

Mong bà con nông dân nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định để không bị thiệt hại vì phải đi vào vòng luẩn quẩn: trồng-chặt-trồng.

TS. TRẦN THANH PHONG
(GĐ Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang)

.
.
.