Thứ Hai, 13/01/2014, 18:48 (GMT+7)
.

Không có tỉnh nào có thể được xem là cái nôi của ĐCTT

Tin bài liên quan:

Cải lương là loại hình nghệ thuật cần được bảo tồn và phát huy

Tiền Giang có những đóng góp to lớn nghệ thuật đờn ca tài tử

Tiền Giang có phong trào đờn ca tài tử phát triển rất sớm

Gần đây, khi UNESCO vinh danh đờn ca tài tử là một di sản phi vật thể đại diện nhân loại thì có nhiều nơi cho rằng tỉnh của mình là cái nôi của đờn ca tài tử. Theo tôi, không có tỉnh nào có thể được xem là cái nôi của đờn ca tài tử vì bộ môn này đã được nhân dân khắp nơi trong toàn cõi miền Nam nước Việt ưa thích và tham gia những cuộc “chơi” đờn ca tài tử. Phóng viên Báo Ấp Bắc mở đầu bài phỏng vấn “Tiền Giang có những đóng góp to lớn nghệ thuật đờn ca tài tử” (ngày 11-1-2014) có câu “Tiền Giang là cái nôi của nhạc tài tử”.

Tôi rất đồng ý vì sự đóng góp của Tiền Giang rất quan trọng, chỉ tại tỉnh Tiền Giang đã có nhiều danh cầm như Nguyễn Tống Triều (Tư Triều), ngoài việc có 1 dàn đờn ca tài tử rất phong phú, ông đờn kìm thuộc về bực nhứt đến đỗi có một chánh khách ưa nhạc là Diệp Văn Cương nói rằng khi tôi nghe Tư Triều đờn kìm, ông Năm Diệm đờn tỳ bà thì tôi không còn muốn nghe ai đờn nữa hết.

Ông có người con gái là cô Hai Nhiễu ca rất hay, và trong dàn đờn của ông có những tay đờn nổi danh thời bấy giờ như Chín Quán đờn độc huyền, Mười Lý thổi tiêu, ông Bảy Vô đờn cò. Dàn nhạc của ông lại được mời sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo thuộc địa vào đầu thế kỷ 20 và đã để lại một ấn tượng rất tốt.

Tại Tiền Giang, còn có 2 nhóm đờn ca tài tử cũng nổi danh như làng Đông Hòa có ông ngoại tôi là Nguyễn Tri Túc biết đờn kìm và đờn tỳ bà, nhưng ông là người nuôi những thầy tài tử trong nhà để cho 2 người con Nguyễn Tri Lạc, Nguyễn Tri Khương học đờn và nhờ vậy mà giới đờn ca tài tử ở Cần Đước thường đến Vĩnh Kim để hòa đờn.

Làng Vĩnh Kim có ông cố tôi Trần Quang Thọ trong ban nhã nhạc cung đình Huế di cư vào Nam và sanh ra ông nội tôi là Trần Quang Diệm - một danh cầm nổi tiếng về đờn tỳ bà. Ông nội tôi sanh ra bảy người con mà có hai người là cô Ba tôi - Trần Ngọc Viện - chuyên đờn tranh và tỳ bà, và cha tôi - Trần Văn Chiều (thường gọi Bảy Triều) - chuyên đờn độc huyền và nhứt là đờn kìm. Ông đã chế ra cách lên dây Tố Lan để đờn Văn thiên tường, Tứ đại oán mà ngày nay giới tài tử cải lương còn biết. Nhưng không phải vì thế mà tôi đồng ý với phóng viên khi cho rằng, “Tiền Giang là cái nôi của đờn ca tài tử”.

GS. TRẦN VĂN KHÊ

.
.
.