Thứ Sáu, 21/03/2014, 14:10 (GMT+7)
.
THIẾU TÁ NGUYỄN VĂN NAM, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG CẢNH SÁT PCCC VÀ CNCH CÔNG AN TIỀN GIANG:

Ý thức giữ vai trò quan trọng hàng đầu trong phòng, chống cháy rừng

Phòng, chống cháy rừng là công tác hết sức quan trọng nhằm góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước và bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt, trong điều kiện khô, nắng như hiện nay, công tác này càng trở nên cấp thiết.

Thiếu tá Nguyễn Văn Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đã có cuộc trao đổi về biện pháp phòng, chống cháy

rừng.                                                                 

* Phóng viên (PV): Xin Thiếu tá cho biết những biện pháp cần thiết trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng?

* Thiếu tá NGUYỄN VĂN NAM (TT. NVN):  Để chủ động phòng ngừa trong công tác PCCC rừng phải phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là sự góp sức to lớn của người dân trong công tác trồng và bảo vệ rừng.

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất cấp trên ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác PCCC rừng, nhất là vào mùa khô. Mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền PCCC trên các phương tiện truyền thanh ở các xã có rừng; tăng cường kiểm tra việc thành lập và thường trực của đội PCCC rừng ở các xã.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra công tác PCCC các xã có rừng ở huyện Tân Phước, Gò Công Đông và Tân Phú Đông, trong đó chú trọng công tác tự tuyên truyền, tự kiểm tra an toàn PCCC rừng của các địa phương; qua kiểm tra đã kiến nghị khắc phục nhiều thiếu sót như: phương tiện chữa cháy không được bảo dưỡng thường xuyên; chưa dự trù kinh phí cho hoạt động PCCC rừng, chưa bố trí lực lượng thường trực chữa cháy rừng… Qua đó tạo sự chuyển biến, quan tâm hơn của chính quyền cơ sở và nhân dân trong công tác PCCC rừng.

* PV: Có ý kiến cho rằng rừng phòng hộ ven biển Gò Công với đặc điểm ngập mặn nên không cần thiết phải phòng, chống cháy. Ý kiến của Thiếu tá như thế nào?

* TT. NVN: Rừng ngập mặn có lợi thế là ngập nước nên không tạo ra lớp lá khô và than bùn trên bề mặt dưới gốc cây nên không có chất cháy để cháy và cháy lan; tuy nhiên phía bên trên thân cây tại những nơi nước không ngập tới vào mùa khô vẫn còn lá cây khô và cành cây khô nằm trên thân cây, nhất là những nơi có mật độ trồng rừng cao và rậm rạp thì vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy và cháy lan.

Mặt khác, vào lúc thủy triều xuống mà xảy ra cháy thì không có nguồn nước tại chỗ để chữa cháy, mà phải lấy nước từ phía biển vào nên việc triển khai lực lượng và phương tiện lấy nước rất khó khăn. Do đó việc PCCC rừng ngập mặn vẫn cần được xem trọng và cần thiết.

* PV: Vậy, riêng đối với khu vực rừng phòng hộ, cần có những biện pháp phòng ngừa cháy như thế nào?

* TT. NVN: Hiện nay tỉnh ta có 2 khu vực có rừng. Diện tích rừng trồng ở huyện Tân Phước, chủ yếu là tràm, một loại thực vật rất dễ cháy, tập trung ở các xã: Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông; rừng ngập mặn tập trung ở các xã ven biển thuộc huyện Gò Công Đông và  huyện Tân Phú Đông. Dù là rừng tràm hay rừng phòng hộ ở ven biển thì vẫn phải thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp sau:

- UBND các huyện và các xã có rừng tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC rừng, duy trì các mặt hoạt động chỉ đạo thực hiện công tác PCCC rừng thường xuyên, liên tục. Hàng năm dự trù nguồn kinh phí dành cho các hoạt động có liên quan đến công tác PCCC rừng. Kịp thời tham mưu, báo cáo cho cấp trên các vấn đề phát sinh có liên quan đến công tác PCCC rừng và bảo vệ tài nguyên rừng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân trồng rừng và các hộ gia đình xung quanh nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nội quy PCCC rừng trong quá trình chăm sóc, khai thác nguồn tài nguyên rừng. Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, nhắc nhở mọi người không đốt lửa, hút thuốc trong khu vực trồng rừng đề phòng cháy rừng xảy ra.

- Tiến hành tự kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy được trang bị. Kịp thời đề xuất trang bị mới, thay thế các phương tiện bị hư hỏng. Có phương án PCCC rừng để khi có sự cố không bị bất ngờ và huy động được nhiều lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn.

* PV: Xin cảm ơn Thiếu tá!

HẠ GIAO (thực hiện)

.
.
.