Thứ Ba, 01/07/2014, 09:23 (GMT+7)
.

Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân: Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Ngày 29-3-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và đến năm 2020. Có thể nói, đây là giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác y tế, chủ động nguồn tài chính y tế bền vững, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn. Vấn đề là, để đạt mục tiêu đề án đề ra, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp và toàn xã hội.

DẦN ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Cùng với cả nước, Tiền Giang triển khai thực hiện Luật BHYT được 5 năm và đã thực sự đi vào cuộc sống, đạt nhiều kết quả nhất định. Số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, cụ thể: Năm 2009 toàn tỉnh có 655.122 người tham gia BHYT (đạt 39% dân số của tỉnh), đến tháng 5-2014 nâng lên 990.000 người tham gia BHYT (chiếm 58,3% dân số của tỉnh).

Số thu BHYT tăng từ 430,81 tỷ đồng (năm 2009) lên 668,54 tỷ đồng (năm 2013). Từ nguồn thu này đã đáp ứng cơ bản quyền lợi của người tham gia BHYT theo đúng quy định và phạm vi quyền lợi được hưởng ngày càng mở rộng theo sự phát triển của khoa học - kỹ thuật trong lĩnh vực y tế.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Việc tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí BHYT được ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội phối hợp bàn, thống nhất thực hiện tốt, do đó các quy trình, thủ tục trong KCB BHYT được cải thiện rõ rệt.

Cùng với việc chỉ đạo nâng cao chất lượng KCB, việc triển khai thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo phương thức khoán định suất cũng được thực hiện, đã tạo điều kiện cho cơ sở KCB chủ động nguồn kinh phí, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, việc mở rộng cơ sở KCB BHYT, kể cả cơ sở KCB tư nhân cũng được tham gia KCB BHYT, đặc biệt là việc tổ chức KCB BHYT tại tuyến y tế xã đã tạo điều kiện cho người tham gia BHYT thuận lợi trong việc tiếp cận để được hưởng các quyền lợi BHYT ngay từ tuyến y tế cơ sở.

Hàng năm, có hàng triệu lượt người KCB BHYT. Đơn cử như năm 2010 có trên 2,6 triệu lượt người, số chi 303 tỷ đồng; năm 2011 có trên 3 triệu lượt người, số chi 360 tỷ đồng; năm 2012 có trên 3,3 triệu lượt người, số chi 447 tỷ đồng; năm 2013 có gần 3,7 triệu lượt, với số chi 586 tỷ đồng;  riêng trong quý I-2014 có 837.400 lượt người KCB BHYT, đã chi 76 tỷ đồng.

CẦN SỰ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT

Những kết quả ban đầu đã đáp ứng được nhu cầu của hàng trăm ngàn người tham gia. Song song đó, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, đó là: Các nhóm đối tượng tham gia không đồng đều, phần lớn tập trung ở nhóm đối tượng bắt buộc như: cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng chính sách và bảo trợ xã hội; người nghèo; người lao động tại các khu, cụm công nghiệp...

Trong khi đó, đối tượng thuộc nhóm tự nguyện hộ gia đình, nhóm cận nghèo chiếm thấp, cụ thể: Đến tháng 5-2014, nhóm hộ gia đình và hộ cận nghèo dù được ngân sách hỗ trợ 70% mức đóng, nhưng chỉ có gần 90.000 người tham gia, chủ yếu là những người thường xuyên ốm đau, có tiền sử bệnh tật…

Đối với học sinh, sinh viên thuộc diện có trách nhiệm tham gia, tuy nhiên trong năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh chưa đạt 95% tổng số học sinh, sinh viên tham gia theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Mặt khác, tình trạng vượt quỹ KCB BHYT và lạm dụng trong KCB BHYT vẫn còn xảy ra; mức đóng BHYT chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia; tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao, ngoài những đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm, tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn thấp;

Việc rà soát phê duyệt danh sách hộ cận nghèo hàng năm còn chậm; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT, kể cả nợ từ nguồn ngân sách vẫn còn xảy ra (đến tháng 5-2014 tổng nợ BHYT là 35,6 tỷ đồng); các chỉ tiêu phát triển số người tham gia BHYT, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng huyện, thành, thị…

Để công tác này được sự đồng thuận tham gia của cả cộng đồng là rất nan giải. Điều này đặt ra cho ngành chủ quản và các sở, ban, ngành liên quan rất nhiều việc phải thực hiện như: Việc hoạch định và xây dựng được đội ngũ thầy thuốc giỏi, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong công tác KCB; các quy định xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHYT phải được tổ chức thực hiện nghiêm...

Để có sự chỉ đạo quyết liệt hơn, ngày 22-11-2012 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 và Quyết định 538/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012 - 2015 và năm 2020, với mục tiêu đề ra đến năm 2015 đạt tỷ lệ trên 70% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT.

Trên tinh thần đó, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Chương trình hành động 38-CTr/TU ngày 3-4-2013 về thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó mục tiêu mà Chương trình đề ra là phấn đấu đến năm 2020 có trên 80% dân số của tỉnh tham gia BHYT.

Tiếp đó, ngày 12-6-2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch  125/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động 38-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, yêu cầu cần sự vào cuộc đồng bộ, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội để đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

TRẦN VĂN LUẬN

.
.
.