Thứ Tư, 10/09/2014, 13:31 (GMT+7)
.

Cha mẹ học sinh làm sai, sao bắt con phải chịu?

Gần đây, rất nhiều bậc cha mẹ có con em đang học tập tại một trường tiểu học đóng trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây không ngớt bàn tán và tỏ thái độ lo lắng về một phần nội dung của bản dự thảo quy định về các hoạt động mà hiệu trưởng trường này định áp dụng cho năm học 2014 - 2015 mà giáo viên chủ nhiệm đã triển khai trong kỳ họp cha mẹ học sinh (CMHS) từng lớp vào đầu tháng 8-2014.

Theo đó, hiệu trưởng quy định đối với CMHS như sau (trích nguyên văn): “Việc đưa đón HS: chỉ đưa HS đến vị trí quy định cho khối lớp, có gắn bản quy định cho khối lớp, không để xe trước cổng trường, nếu có liên hệ công việc thì để xe tại hai khu vực để xe của CMHS, không chạy xe trong sân trường, thực hiện tốt an toàn giao thông (vi phạm của CMHS được tính vào vi phạm của HS)”. Để trên cơ sở đó mà “Không khen thưởng HS vi phạm có biên bản xử lý (2 lần trở lên, kể cả vi phạm của PHHS )”.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Như Lam
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: Như Lam

Các bậc CMHS hoàn toàn thông cảm, chia sẻ và sẽ tích cực hưởng ứng mong muốn của hiệu trưởng trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm để xây dựng nền nếp ứng xử có kỷ cương, có văn hóa trong mọi quan hệ của CMHS với nhà trường, đặc biệt là trong hoạt động đưa con tới trường và chờ đợi rước con về nhà mỗi buổi, mỗi ngày học. Bởi trong thực tế đã có không ít bậc CMHS có những hành vi chưa đẹp, thiếu gương mẫu ngay ở trước cổng trường hay trong sân trường.

Ví dụ, họ vẫn cho xe chạy thẳng vào sân trường và chỉ dừng ngay cửa lớp của con mình, khi ở cổng có treo bảng yêu cầu dừng xe; dẫn bộ hoặc đậu đổ, đứng chờ một cách tùy tiện, lộn xộn, lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông ở trước cổng trường. Hay như thường xuyên không đội nón bảo hiểm cho con cháu khi ngồi trên xe máy hoặc mô tô… Tất cả những lỗi đó của CMHS nhà trường nhất thiết phải phối hợp cùng với các lực lượng khác bằng nhiều cách như hướng dẫn, nhắc nhở, phê phán, thậm chí là xử phạt hành chính theo luật để nhằm chấn chỉnh có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc nhà trường quy định: “Vi phạm của CMHS để tính vào vi phạm của HS” là không thể chấp nhận được về cả tình và lý. Bởi theo truyền thống xưa nay, người Việt luôn ứng xử theo đạo lý “Con dại, cái mang” chứ hoàn toàn không có chuyện ngược lại.

Ở góc độ pháp luật Việt Nam hiện nay thì càng rõ ràng hơn, không có điều luật nào quy định con cái phải chịu trách nhiệm về các hành vi của cha mẹ trong các mối quan hệ pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự hay tài chính… mà chỉ có ngược lại. Điểm cần lưu ý hơn nữa trong trường hợp này là HS bậc tiểu học (dưới 12 tuổi) buộc phải chịu trách nhiệm về hành vi của cha mẹ mình thì càng không thể chấp nhận được.

Thiết nghĩ, dù chỉ là quy định của một trường tiểu học, chỉ có giá trị nội bộ, nhưng khi soạn thảo, ban hành cũng phải hết sức cẩn trọng, cân nhắc trên cơ sở tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật và các văn bản có tính chất quy phạm của cấp trên; đồng thời phải tính đến yếu tố đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương.

Lại nữa, CMHS không phải là đối tượng quản lý của nhà trường, mà họ là đối tác cùng thực hiện trách nhiệm giáo dục HS, cho nên nhà trường không nên quy định họ phải như thế này, như thế khác mà phải bàn bạc với họ để tạo ra sự đồng thuận. Cần thiết thì đề nghị “cần” và hướng dẫn họ thực hiện, chứ không được yêu cầu “phải” và bắt buộc họ bằng cách gây sức ép.

Dẫu biết đây chỉ mới là dự thảo, tuy nhiên trong thực tế rất ít trường hợp dự thảo của nhà trường lại bị đa số CMHS phủ quyết. Nó được tán thành có khi không phải vì sự đúng đắn của những quy định đó, mà là vì sự lo sợ quyền lợi của chính con em họ bị ảnh hưởng (theo cách nghĩ của nhiều người). Vậy nên, quy định này của hiệu trưởng trường tiểu học nọ rất có thể sẽ trở thành văn bản chính thức mà HS và các bậc CMHS sẽ phải thực hiện trong tâm thế chẳng đặng đừng.

Để năm học mới diễn ra tốt đẹp, rất mong hiệu trưởng trường tiểu học này bình tâm nhìn nhận lại và đề nghị lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Công Tây cũng cần quan tâm chỉ đạo, để những quy định kiểu như thế này không còn có cơ hội được đưa ra ở các trường.

LÊ MINH HOÀNG

.
.
.