Thứ Hai, 13/10/2014, 14:18 (GMT+7)
.
Hoạt động Đoàn ở cơ sở - nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Giải pháp để tập hợp thanh niên và nâng chất hoạt động Đoàn cơ sở

Trước thực trạng số lượng đoàn viên, thanh niên (ĐV-TN) giảm mạnh ở các chi đoàn ấp (khu phố) và khó khăn trong việc tìm “thủ lĩnh thanh niên” có năng lực, gắn bó với công tác Đoàn đang là “bài toán” khó, đòi hỏi tổ chức Đoàn các cấp cần làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền và đề cao sự tự thân “vượt khó”…

Thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2012 UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thanh niên Tiền Giang đến năm 2020, đã được triển khai đến các cấp trong tỉnh.

Anh Phạm Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho biết: “UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động nêu trên. Qua đó xây dựng và ban hành một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên và nâng chất hoạt động Đoàn trong năm 2013 và những năm tiếp theo.

UBND tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau: Tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thanh niên trên địa bàn tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu về thanh niên, làm cơ sở để tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thanh niên từ tỉnh đến cơ sở gắn với tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý Nhà nước về công tác thanh niên;

Chỉ đạo triển khai tốt công tác phối hợp giữa Đoàn Thanh niên với các sở, ban, ngành tỉnh thực hiện 5 nhóm giải pháp (đến năm 2015) về tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống; dạy chữ, dạy nghề; cụ thể hóa nội dung “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; chăm sóc sức khỏe gắn với thực hiện bình đẳng giới và kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh niên…”.

Anh Vũ còn cho biết thêm, Tỉnh đoàn đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan mở rộng phương thức tập họp thanh niên theo năng khiếu, sở thích, ngành nghề, khu vực đặc thù, khu dân cư và tập trung triển khai thực hiện các đề án về dạy chữ, dạy nghề, trợ vốn, tạo việc làm… cho thanh niên.

Trong Năm Thanh niên 2014, để thu hút thanh niên, các cấp bộ Đoàn phát động ĐV-TN tham gia nhiều phong trào, mô hình, chiến dịch, đề án: “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “3 trách nhiệm”, “Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng hè”, “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Sinh viên 5 tốt”, “Khi tôi 18”, “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm”, “Góc phố xanh, vỉa hè xanh”, “Bến đò ngang an toàn”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Sáng tạo trẻ”, “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”… với những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể.

Ông Huỳnh Thanh Minh, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy lưu ý:  “Hiện nay, đa số thanh niên tập trung vào các khu, cụm công nghiệp, vì thế phải xây dựng cho được tổ chức Đoàn những nơi này. Trong Chương trình hành động 45 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 25 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã nhấn mạnh: Không để bất cứ quần chúng nào đứng bên ngoài tổ chức. Đoàn phải có nhiều giải pháp tập hợp thanh niên đứng vào tổ chức Hội LHTN và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trên tinh thần đó, Tỉnh đoàn cần làm tốt hơn vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan đề ra nhiều chương trình, mô hình, đề án thiết thực đến quyền và lợi ích của thanh niên.

Ở đâu thanh niên cần học nghề, việc làm, vốn làm ăn, kỹ thuật sản xuất... thì Đoàn phải thể hiện vai trò nòng cốt, đáp ứng nhu cầu chính đáng cho thanh niên. Qua đó mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp, phát huy tính xung kích của thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung, nâng chất lượng hoạt động Đoàn và Hội LHTN Việt Nam nói riêng.

PHƯƠNG MAI

.
.
.