Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:42 (GMT+7)
.

Đôi điều suy nghĩ về giáo dục trong gia đình hiện nay

Trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay mở ra cho gia đình nhiều cơ hội phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần… Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng đang đặt ra cho gia đình nhiều thách thức như: Tệ nạn xã hội; suy thoái đạo đức, lối sống; bạo lực gia đinh (BLGĐ), ly hôn, ly thân làm phai nhạt giá trị gia đình truyền thống của dân tộc…

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng bạo lực học đường do những mâu thuẫn rất nhỏ, trong đó có một số vụ nghiêm trọng dẫn đến án mạng mà gần đây nhất là ở Phú Phong (huyện Châu Thành) hay ở Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho).

Hay rộng hơn nữa là vấn đề trẻ vị thành niên phạm tội, tiêm chích ma túy, ăn chơi lêu lỏng, nghiện game bỏ bê việc học… Đây không còn là vấn đề riêng của từng cá nhân, từng gia đình, mà là nỗi lo chung của toàn xã hội. Song, để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình.

Ảnh: Duy Bằng
Ảnh: Duy Bằng

Làm sao để gia đình đủ ăn, đủ mặc là nỗi lo thường trực với phần lớn gia đình nông dân, công nhân, kể cả viên chức, giáo viên… thời gian dành cho con cái chỉ vỏn vẹn một hai tiếng buổi tối trong trạng thái mệt mỏi sau một ngày lao động. Trong khi đó, ở vùng sâu, vùng xa ít bậc cha mẹ có đủ thời gian và kiến thức trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái, mọi sự gần như phó mặc nhà trường và xã hội. 

Một vấn đề khác đáng quan tâm trong gia đình hiện nay, đó là tình trạng BLGĐ. Không chỉ giới hạn trong những hành vi bạo lực của người chồng đối với người vợ, BLGĐ còn có thể xảy ra trong các mối quan hệ gia đình: Con cái ngược đãi ông bà, cha mẹ; anh chị em ngược đãi nhau… Đây chính là sự suy thoái về nhân cách, đạo đức, là một trong những nguyên nhân làm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em rơi vào các tệ nạn xã hội.

Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 100 vụ BLGĐ ở các mức độ khác nhau. Con số này có thể thấp hơn mức độ thực tế do những người bị BLGĐ thường ngại nói với người khác về bạo lực trong gia đình của họ và có thể do họ chưa hiểu biết đầy đủ về BLGĐ.

Những nạn nhân của BLGĐ có thể bị đau đớn, thậm chí bị tàn tật và hơn hết là nỗi đau về tinh thần, là sự cản trở quá trình phát triển của các thành viên. Đây cũng là nguyên nhân khiến thanh thiếu niên sống trong môi trường có BLGĐ bị khủng hoảng, mất cân bằng tinh thần, dẫn đến nhiều hành vi nguy hại cho xã hội.

Một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh luôn là niềm mong ước của nhiều người. Thế nhưng, trước thách thức của quá trình hội nhập và phát triển, sự phai nhạt các giá trị đạo đức truyền thống gia đình đã và đang là nỗi băn khoăn, lo lắng của toàn xã hội. Bất cứ một gia đình nào dù ở thành thị hay nông thôn cũng có thể là nạn nhân nếu không có khả năng tự bảo vệ.

Do vậy, để xây dựng một gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, thiết nghĩ cần phải đẩy mạnh việc xây dựng nhân cách từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên cơ sở phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những giá trị gia đình hiện đại của nhân loại. Trong đó phải đặc biệt quan tâm giáo dục về nhận thức cho từng thành viên, làm sao để mỗi người trong gia đình đều hiểu được rằng gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn và thể chất đầu tiên, là trường học suốt đời, có ý nghĩa hết sức quan trọng với mỗi người.

Ở đó, ông bà, cha mẹ luôn luôn phải là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Cha mẹ cần phải tạo điều kiện cho con cái được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; phải thương yêu, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trẻ, để con cái phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần…

NGUYỄN MINH PHÚC

.
.
.