Thứ Tư, 17/06/2015, 10:41 (GMT+7)
.

Trẻ nghiện game: Lợi bất cập hại

Bàn về vấn đề trẻ và game online, chị Nguyễn Thị Thanh Bạch, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu cho rằng: “Trẻ mê game, nghiện game đang là vấn nạn. Với trách nhiệm của một người quản lý, tôi luôn nhắc nhở giáo viên quan tâm sâu sát từng học sinh, khi thấy các em có những biểu hiện khác thường, nhất là sa sút trong học tập thì phải kết hợp với phụ huynh để tìm ra nguyên nhân, kịp thời ngăn chặn.

Riêng tôi, có con trai chuẩn bị vào lớp 6, ngoài thời khóa biểu ở trường, tôi xếp thời gian hợp lý cho con học bài, làm bài tập, tham gia lớp võ thuật, học bơi để rèn luyện sức khỏe; cho con chơi game để giải trí nhưng chơi với thời gian vừa phải, không cho con biết mật khẩu wifi để lên mạng tùy tiện…”. Đây được xem là biện pháp khả thi để trẻ em sử dụng thời gian hữu ích nhất, nhưng cha hoặc mẹ phải có thời gian để quan tâm và giúp con thực hiện.

Trẻ chơi game sành điệu trong quán  cà phê.
Trẻ chơi game sành điệu trong quán cà phê.

Rất nhiều phụ huynh đã dùng biện pháp mạnh “cho roi, cho vọt” với trẻ nghiện game như: Phạt con bò về nhà hay đánh con tại tiệm Internet, cho nhịn ăn, nhốt trong nhà, bắt quỳ gối sau khi bị một trận đòn, không cho tiền con…

Một lần đi công tác, ghé nhà anh Nguyễn Văn Tý (TX. Cai Lậy), tôi thấy con trai anh ngồi, nằm đều cắm cúi vào chiếc điện thoại cảm ứng, không để ý đến xung quanh. Dù điều kiện không mấy khá giả, nhưng anh đã mua điện thoại trả góp và gắn wifi cho con trai chơi game để giữ chân cháu ở nhà. Anh cho rằng như vậy dễ quản lý cháu hơn, để cháu ra ngoài chơi sẽ lắm phiền phức…

Trẻ chơi game mọi lúc, mọi nơi -  kể cả trên xe buýt.
Trẻ chơi game mọi lúc, mọi nơi - kể cả trên xe buýt.

Theo chân chị Nguyễn Thị Tuyết (ngụ xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo) đến thăm con gái chị ở TP. Mỹ Tho. Vào nhà thấy 2 cháu ngoại gái của chị đang trên salon, trên tay mỗi cháu là 1 Ipad, các cháu chăm chú đến độ mẹ cháu bảo chào ngoại đến lần thứ 2 thì 2 đứa mới ngẩng lên, nói như ca sĩ hát nhép:

“Thưa ngoại, chào cô mới tới” rồi cả 2 tiếp tục dán mắt vào màn hình. Chị Tuyết đến bên nựng đứa cháu nhỏ, nhưng cháu có vẻ khó chịu như đang bị quấy rầy rồi bỏ vào phòng riêng.

Chị Tuyết phàn nàn với con gái thì Duyên (con gái chị) phân bua: “Cho nó chơi để phát triển trí tuệ, nhanh nhạy trong mọi tình huống và làm quen với vi tính.

Bây giờ hiện đại rồi, đâu phải chơi lò cò, đánh đũa như tụi con ngày xưa nữa má!”. Đến bữa ăn, mẹ Duyên phải nhắc nhiều lần, 2 “nàng công chúa” mới tạm rời mắt khỏi màn hình nhỏ mà ăn cơm, nhưng miệng vẫn không ngớt bàn về trò chơi mới trên mạng.

Suốt đường về chị Tuyết tâm sự: “Nhớ tụi nhỏ lên thăm thì lúc nào cũng vậy, nó chào được 1 câu rồi thôi, không hề có sự âu yếm, gần gũi. Mình nựng nó nhưng nó tỏ ra khó chịu, bỏ đi chỗ khác.

Không học bài thì chúi mũi vào chơi game. Lúc trước chúng tranh nhau cái laptop của ba, của mẹ. Thấy vậy, ba mẹ nó mua cho 1 cái Ipad để 2 đứa chơi chung, nhưng chúng giành nhau nên sắm thêm cho đứa nhỏ 1 Ipad nữa, vậy là chúng tha hồ chơi vì nhà có wifi”.

Hôm nọ, ở một quán cà phê, tôi nghe tiếng trong veo lảnh lót phát ra sau lưng mình: “Cho 1 cà phê kem, ít cà phê thôi nha. Ở đây password là gì vậy?”. Quay lại, thấy 1 cậu bé khoảng 9 tuổi, tay quẹt lên màn hình 1 chiếc điện thoại to tướng đầy vẻ sành điệu.

Tôi trở hướng ngồi để quan sát thằng bé. Cha cậu bé có vẻ là chủ doanh nghiệp. Tôi lân la trò chuyện, được cha cháu bộc bạch: “Tôi có 1 cửa hàng điện thoại ở đường Lý Thường Kiệt. Hàng ngày tôi đi uống cà phê đều dẫn con theo, kẻo con vào tiệm Internet chơi game quên cả cơm nước…”.

Còn chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) cho biết con chị mê game đến độ không cần phải ăn uống. Có lần, sáng sớm chị đưa con đi học thêm vì chị phải vào công ty sớm để chuẩn bị cuộc họp. Chị mua cho con hộp cơm, bảo đến nhà thầy ăn xong rồi tranh thủ ôn bài chờ đến giờ học.

Khi vừa vô phòng làm việc thì một người bạn gọi tới bảo thấy thằng con chị đi bộ một mình ở góc đường Trần Hưng Đạo - Lý Thường Kiệt. Chị Phượng tức tốc gọi chồng. Sau một hồi “lùng sục”, anh đã “trục xuất” con trai khỏi một tiệm net rồi “địu” nó thẳng đến lớp học thêm. Hỏi ra mới biết, chị vừa quay lưng đi là con lập tức đi tìm tiệm net. Vợ chồng chị đều là cán bộ lãnh đạo nên việc đi sớm về muộn khá thường xuyên.

Còn con đã tranh thủ lúc mẹ cha bận việc là trốn nhà làm “game thủ”. Sợ con hư, vợ chồng chị buộc lòng đưa con lên TP. Hồ Chí Minh học nội trú. Chẳng biết lên đó con chị có “cai nghiện” game được không và học tập ra sao, nhưng trước mắt anh chị tốn kém nhiều tiền đóng học phí, mỗi chủ nhật phải đi thăm… Mỗi lần gặp tôi là chị lại nhắc con mà nước mắt tràn mi.

Chị Lê Thanh Lan, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL) trăn trở: “Hôm Họp mặt Gia đình văn hóa tiêu biểu, có 1 bé gái suốt buổi cứ chăm chăm vào điện thoại di động và hoàn toàn không để ý đến xung quanh mình.

Hỏi ra mới biết, đó là thành viên của 1 gia đình văn hóa tiêu biểu ở huyện Tân Phước. Khi tôi góp ý về điều này thì cha, mẹ cháu nói như tự hào: “Bây giờ cuộc sống đã khá lên, thấy con ham chiếc điện thoại cảm ứng thì mua để con làm quen với máy móc, tiếp cận với vi tính…”. Tôi nghe mà đâm lo về cách thương con của anh chị ấy”.

Trăn trở với những điều mắt thấy tai nghe và băn khoăn khi nghĩ đến tương lai của những đúa trẻ gần như “bất cần” xung quanh, vô cảm với cả người thân, chỉ biết đắm mình với thế giới ảo sẽ dễ sa vào những mảng màu đen trong cuộc sống. Vì lẽ đó, các bậc phụ huynh hãy quản lý con chặt chẽ, đừng để con nghiện game sẽ lợi bất cập hại.  

ÁI QUỲNH

.
.
.