Thứ Năm, 28/05/2015, 05:52 (GMT+7)
.

Cần nâng chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương. Thông qua hoạt động này, các đại biểu thể hiện trách nhiệm của mình đối với cử tri.

Theo Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã (gọi tắt là HĐND cấp huyện), chất lượng các phiên chất vấn tại các kỳ họp ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, các đại biểu HĐND cũng thừa nhận hoạt động này còn nhiều hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục.

Cử tri chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Cử tri chất vấn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

THỰC TRẠNG

Theo đánh giá của HĐND tỉnh, thời gian qua, Thường trực HĐND các cấp đã chủ động thực hiện tốt các hoạt động theo chương trình, kế hoạch đã đề ra; tổ chức các đợt tiếp xúc cử tri, các hoạt động giám sát theo chương trình công tác hàng năm; chất lượng các kỳ họp của HĐND các cấp ngày càng được nâng lên, phát huy tính dân chủ, trí tuệ tập thể của cơ quan dân cử ở địa phương. Mặt khác, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND các cấp có sự chuyển biến tích cực; tuy nhiên bên cạnh những mặt làm được vẫn còn những hạn chế nhất định.

Theo bà Phạm Thị Ánh Vân, Ủy viên Thường trực HĐND huyện Cái Bè, tại các kỳ họp, một số đại biểu HĐND ít chất vấn trực tiếp, thường chỉ có 3 - 5 ý kiến chất vấn, có kỳ họp chỉ có 1 ý kiến, có kỳ họp không có ý kiến chất vấn nào. Có một số đại biểu cả nhiệm kỳ không 1 lần thực hiện quyền chất vấn. Mặt khác, một số ý kiến chất vấn chưa được chuẩn bị chu đáo nên chưa phản ánh đúng thực trạng, chưa đi sâu vào những vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm…

Thường trực HĐND huyện Chợ Gạo thì cho rằng: Nội dung chất vấn chưa thiết thực, một số ý kiến trả lời chất vấn còn chung chung. Đối với những vụ việc phức tạp, cơ quan chức năng đã trả lời tại phiên chất vấn của nhiều kỳ họp, nhưng qua kỳ họp vẫn còn trường hợp cơ quan chức năng không thực hiện lời hứa hẹn tại buổi chất vấn, chưa giải quyết dứt điểm nên gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Ông Huỳnh Văn Ngộ, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phú Đông phân tích: Do đa số đại biểu HĐND huyện là người ở địa phương khác nên việc theo dõi quá trình thi hành pháp luật, thực hiện nghị quyết HĐND và các vấn đề cử tri bức xúc chưa được thường xuyên, dẫn đến ít có ý kiến chất vấn sát nhu cầu, nguyện vọng người dân.

Theo ý kiến của nhiều đại biểu HĐND, các ý kiến chất vấn chủ yếu thuộc về vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, mà Chủ tịch UBND cấp huyện được cơ cấu làm Phó Bí thư Huyện (Thành, Thị) ủy, trong khi đa số đại biểu HĐND kiêm nhiệm công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể chịu sự lãnh đạo, quản lý của Chủ tịch UBND cấp huyện về mặt Đảng hoặc Nhà nước, nên dễ xảy ra tâm lý nể nang, ngại va chạm… Chính những khó khăn trên làm cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp còn mang tính hình thức, chưa phát huy tối đa vai trò của cơ quan dân cử.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

Nhiều đại biểu HĐND cấp huyện cho rằng, để hoạt động chất vấn hiệu quả cần quan tâm nhiều hơn đối với công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ là đại biểu HĐND chuyên trách có tâm và ngang tầm với nhiệm vụ được giao, trong đó nên tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách ở mỗi cấp, nhưng phải chú trọng đến HĐND cấp xã, hạn chế tối đa đại biểu là cán bộ, công chức thuộc quyền của UBND.

Mặt khác, nên đánh giá mức độ hoạt động của mỗi đại biểu HĐND theo định kỳ để các đại biểu phát huy vai trò của mình, hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, tránh xảy ra tình trạng có những đại biểu suốt nhiệm kỳ không làm gì và cũng không biết mình làm gì ngoài việc đi họp theo thư mời, giơ tay biểu quyết theo yêu cầu chủ tọa kỳ họp.

Theo bà Phạm Thị Ánh Vân, để hoạt động chất vấn hiệu quả thì chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, tìm cách gợi mở để các đại biểu tham gia chất vấn trực tiếp tại hội trường. Chủ tọa cũng phải biết cách dừng đúng lúc khi việc hỏi và trả lời quá dài dòng không đúng trọng tâm.

Trong mỗi vấn đề chất vấn, chủ tọa có thể đề nghị đại biểu đưa ra các chứng cứ cụ thể để chứng minh. Những vấn đề được nêu ra, chủ tọa phải kịp thời nắm bắt và thể hiện được chính kiến, công tâm, khách quan. Để bảo đảm chất vấn thực sự là hình thức giám sát hiệu quả, cơ quan và người bị chất vấn phải trả lời chất vấn ngay tại kỳ họp, tránh tình trạng trì hoãn trả lời làm giảm ý nghĩa bức thiết, tính thời sự và hiệu quả của chất vấn.

Ông Huỳnh Văn Ngộ cũng cho rằng, để nâng chất hoạt động chất vấn, HĐND tỉnh nên kiến nghị Quốc hội quy định cụ thể việc xử lý như thế nào đối với các tổ chức, cá nhân không trả lời hoặc trả lời chung chung, đại khái hoặc không thực hiện các vấn đề đã hứa hẹn tại phiên chất vấn nhằm tăng tính hiệu lực các ý kiến, kiến nghị của đại biểu. Hàng năm cần xem xét, đánh giá hoạt động của từng đại biểu HĐND và nên đưa hoạt động chất vấn là một trong những tiêu chuẩn thi đua của đại biểu HĐND.

Ngoài ra, nhiều đại biểu HĐND cấp huyện cũng cho rằng, để nâng chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các ban HĐND tỉnh cần dành thời gian tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề, cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết về hoạt động này để nâng cao trình độ cho các ban HĐND cấp huyện.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND cần chủ động đề nghị đại biểu tăng cường tổ chức các hoạt động theo dõi, khảo sát nắm tình hình trên địa bàn nơi mình ứng cử để thu thập nhiều thông tin, phát hiện những vấn đề bức xúc của cử tri cũng như việc thực hiện lời hứa của các phòng, ban làm cơ sở để có ý kiến chất vấn tại các kỳ họp.

Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với UBND để thống nhất việc phân công chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trả lời chất vấn tại kỳ họp; đồng thời phối hợp trong việc đôn đốc thực hiện lời hứa đối với cử tri.

HOÀI THU

.
.
.