Thứ Tư, 28/10/2015, 15:54 (GMT+7)
.

Phòng, chống sốt xuất huyết: Không phải dễ nhưng cũng không quá khó

Phòng, chống các loại dịch bệnh nói chung và bệnh sốt xuất huyết (SXH) nói riêng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ngành Y tế giữ vai trò nòng cốt về tham mưu các giải pháp chuyên môn, nghiệp vụ. Có thể nói, phòng, chống bệnh SXH không phải dễ nhưng cũng không quá khó để thực hiện.

Súc rửa lu và vật chứa nước để diệt lăng quăng.
Súc rửa lu và vật chứa nước để diệt lăng quăng.

Phòng, chống SXH không phải dễ, bởi theo thống kê có 2,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ tại hơn 100 quốc gia (cao nhất ở vùng Đông Nam châu Á), với số ca mắc SXH là 50 - 100 triệu trường hợp mỗi năm, trong đó có 500.000 ca nhập viện, 20.000 ca tử vong.

Công tác phòng, chống bệnh SXH đã thực hiện xuyên suốt hơn 50 năm qua, nhưng hiệu quả chưa cao và cứ mỗi 10 năm thì số ca mắc bệnh SXH lại tăng gấp đôi, mặc dù các nước đã tốn rất nhiều tiền của và công sức…

Tại tỉnh Tiền Giang, năm 2007 đã từng xảy ra dịch SXH với hơn 12.000 ca mắc (cao nhất trong cả nước), trong đó có 12 ca tử vong. Tính đến ngày 18-10-2015, tổng số ca mắc SXH tại Tiền Giang là 1.482 ca, tăng 126,61% so với cùng kỳ năm 2014.

Cho đến nay, việc nghiên cứu để tạo ra vaccine phòng, chống SXH vẫn chưa thành công. Bệnh SXH diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nếu như người bệnh đến cơ sở y tế trễ. Mặt khác, một người có thể bị mắc nhiều lần trong đời, những lần nhiễm sau nguy hiểm hơn những lần nhiễm trước và dự báo chu kỳ dịch SXH vô cùng khó khăn, không hoàn toàn chính xác, nguy cơ bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào, nhất là khi mùa mưa đến.

Muỗi vằn có tên khoa học là Aedes aegypti, truyền bệnh SXH, sống trong và xung quanh nhà, thích đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, nước mưa hoặc các vật phế thải như các lu, vại, vỏ xe, ly, chén, gáo dừa; thậm chí trên các máng xối, mái đình, chùa hoặc tại các công trường đang thi công có ứ nước mưa. Những vật phế thải và những nơi này hầu như ít ai quan tâm để diệt lăng quăng… 

Tuy nhiên, phòng, chống SXH cũng không phải quá khó, không thể thực hiện được. Cụ thể là: Với những nỗ lực liên tục, trong vòng 5 năm trở lại đây bệnh SXH tại Tiền Giang có xu hướng giảm dần, cụ thể: Trong năm 2015, tuy rằng số ca mắc SXH gia tăng so với năm 2014, nhưng vẫn còn thấp hơn số mắc bình quân 5 năm 2010 - 2015.

Mặt khác, ngành Y tế đã có các phác đồ điều trị SXH tương đối hiệu quả, qua đó đã giảm dần tỷ lệ tử vong do SXH (hiện nay đã dưới 1% số ca mắc bệnh) và người dân ngày càng quan tâm đến việc phòng, chống các loại dịch bệnh nói chung, bệnh SXH nói riêng. Vả lại, vaccin phòng ngừa SXH đang được thử nghiệm cho kết quả tương đối tốt, hy vọng trong một thời gian ngắn sẽ có một loại vaccine để chủ động phòng ngừa SXH…

Như vậy, rõ ràng là phòng, chống SXH không phải dễ nhưng không phải quá khó. Điều quan trọng là chúng ta không được chủ quan, nhưng cũng không quá bi quan mà hãy cùng cộng đồng trách nhiệm trong phòng, chống SXH, nhất là thực hiện thật tốt khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có SXH”.

BS CKII TRẦN THANH THẢO

.
.
.