Thứ Sáu, 30/10/2015, 10:04 (GMT+7)
.

Sách dành cho thiếu nhi: Không dễ lựa chọn

Hiện nay, có khá nhiều sách dành cho thiếu nhi, vừa đa dạng và phong phú về thể loại, vừa bắt mắt về hình thức. Tuy nhiên, việc lựa chọn cho các em một quyển sách hay, phù hợp với lứa tuổi và bổ ích không phải là chuyện dễ dàng…
Sách tốt giúp các em tiếp cận với nguồn kiến thức quý.
Sách tốt giúp các em tiếp cận với nguồn kiến thức quý.

 ĐA DẠNG, PHONG PHÚ 

Tại Nhà sách Fahasa Mỹ Tho có hàng trăm đầu sách thiếu nhi đang được bày bán. Điểm thu hút đầu tiên của những kệ sách này là màu sắc rực rỡ, đẹp mắt. Có thể kể đến một số nhóm sách như: Truyện tranh; truyện đọc; tô màu, luyện chữ; kiến thức bách khoa…
 
Trong đó, phong phú nhất là thể loại truyện tranh. Ngoài những bộ truyện tranh quen thuộc như: Doreamon, Shin - cậu bé bút chì, Thần đồng đất Việt, Trạng Quỳnh, Trạng Quỷnh…; còn có khá nhiều tên sách khác như: Cô bé quàng khăn đỏ - truyện cổ tích hay nhất; Bạch Tuyết và bảy chú lùn - truyện cổ tích hay nhất; bộ truyện cổ Andecxen; bộ truyện cổ tích Việt Nam; 109 truyện bồi đắp tâm hồn trẻ; 109 truyện bồi dưỡng nhân cách trẻ; 50 truyện dành cho bé gái; Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc…
 
Ngoài ra, ở đây còn một số đầu sách khá hay như: Bách khoa tri thức bằng hình; 100 điều em muốn biết; Truyện các danh nhân văn hóa, lịch sử… Các cuốn sách cập nhật kiến thức: Vi tính, âm nhạc, thế giới tự nhiên, thám hiểm vũ trụ, văn học - nghệ thuật, lịch sử, địa lý, cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân. Ngoài sách tiếng Việt, còn một số sách song ngữ Anh - Việt như: Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn; Alibaba và 40 tên cướp; 80 ngày vòng quanh thế giới; con ngỗng đẻ trứng vàng…
 
Các thể loại truyện đọc, kiến thức bách khoa cũng có số lượng khá lớn, với nhiều đầu sách quen thuộc như: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam; Nổi danh vang dội (viết về các danh nhân, nhà khoa học nổi danh thế giới); Những tấm lòng cao cả…
 
Tại các Nhà sách Hùng Vương, Thành Nghĩa (Siêu thị Văn hóa Tiền Giang) và một số điểm bán sách khác cũng vậy, sách dành cho thiếu nhi rất nhiều. Điểm chung của các loại sách này là được in rất đẹp, từ màu sắc cho đến chất liệu giấy. Thể loại cũng phong phú và đa dạng như: Truyện tranh giải trí, truyện lịch sử, truyện cổ tích, truyện các danh nhân, truyện giáo dục đạo đức, lối sống… 
 
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là số lượng sách thiếu nhi ở các nhà sách đa phần là sách nước ngoài được dịch sang tiếng Việt. Số sách của các tác giả “thuần Việt” tuy không đến nỗi hiếm hoi nhưng vẫn ở thế “bị áp đảo” và màu sắc, hình dáng của các loại sách “thuần Việt” cũng kém tươi so với các loại sách khác.
 
KHÔNG DỄ LỰA CHỌN
 
Việc lựa chọn những quyển sách thích hợp cho các em đọc hoặc xem quả không phải là chuyện dễ, vì các đầu sách thì nhiều, nhưng nội dung thì rất khó thẩm định. Ví dụ như các truyện cổ tích Việt Nam, ngoài bộ sách quen thuộc là Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của tác giả Nguyễn Đổng Chi, còn có hàng chục bộ truyện cổ tích Việt Nam khác như: Truyện cổ tích Việt Nam chọn lọc, Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, 108 truyện cổ tích Việt Nam hay nhất, 100 truyện cổ tích Việt Nam, Truyện cổ tích Việt Nam đặc sắc…
 
Ngoài ra, những truyện cổ tích còn được tách ra thành những quyển truyện tranh riêng biệt. Chính sự “na ná” nhau giữa các câu chuyện trong các bộ sách khiến độc giả “không biết đường đâu mà lần”. Tương tự, các loại truyện cổ tích khác cũng được các nhà xuất bản xuất bản liên tục như: Truyện cổ Andecxen, Truyện cổ tích thế giới chọn lọc, Truyện cổ Grim… Ở mỗi quyển được in lại hoặc mang một màu sắc tươi mới hơn (vẫn giữ cốt truyện), khiến độc giả như rơi vào “mê hồn trận”. 
 
Chị Nguyễn Thị Thúy Loan (ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) chia sẻ:  “Sách bây giờ thì nhiều nhưng thật khó lựa chọn. Chỉ nội mấy bộ cổ tích thôi đã nhiều như vậy, biết chọn quyển nào bây giờ. Nhiều nhưng nội dung chẳng khác nhau mấy. Tôi đã từng mua mấy quyển sách đem về đọc thì thấy nội dung na ná nhau, chỉ có cách sắp xếp thứ tự là khác”.
 
Chị Lê Thị Quỳnh Hương (ngụ phường 7, TP. Mỹ Tho) cũng gặp phải trường hợp tương tự khi mua sách cho con. Chọn 2 quyển “Truyện cổ tích thế giới chọn lọc” và “Truyện cổ tích thế giới hay nhất” cho con, lật sơ qua thì thấy khác nhau, nhưng khi về đọc cho con nghe thì thấy các câu chuyện trong 2 quyển sách không khác nhau gì mấy, có chăng chỉ là thay đổi tên nhân vật, bối cảnh một chút; thậm chí có nhiều chuyện thuộc dạng “sao y bản chính” khiến chị cảm thấy rất tiếc khi bỏ một số tiền không nhỏ ra mua. 
 
Trùng lắp về nội dung, tình tiết, cách kể chuyện… chính là điều dễ thấy ở các đầu sách (nhất là các truyện cổ tích, truyện lịch sử, truyện các danh nhân). Đó là chưa kể đến việc ngôn ngữ, nội dung câu chuyện, hình ảnh minh họa có đúng là dành cho trẻ em hay không?
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn những ấn phẩm sách được bán hiện tại là được dịch từ sách nước ngoài, khó tránh khỏi những sai sót và gây ngộ nhận về cách ứng xử của trẻ do khác nhau về cách ăn mặc, phong tục, tập quán, đạo đức, lối sống… Vì vậy, có một quyển sách tốt cho thiếu nhi, giúp các em tiếp cận với các nguồn kiến thức quý từ sách quả không phải là điều dễ dàng. 
 
Nhận xét về vấn đề này, ông Huỳnh Hồng Giang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thư viện, thiết bị và giáo dục ngoài giờ (Sở GD-ĐT) cho rằng: “Việc có nhiều loại sách như hiện nay sẽ giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tri thức. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một vấn đề, đó là: Đâu là sách tốt, sách cần thiết cho các em. Trong thời điểm hiện tại, có thể nói phụ huynh và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng các em chọn sách”.
 
Được biết, hiện tại Sở GD-ĐT và các trường đang rất chú ý đến việc hướng dẫn các em đọc sách cũng như lựa chọn các loại sách bổ ích. Cụ thể, ngoài việc bổ sung sách cho thư viện trường, hàng tháng các cán bộ thư viện còn tổ chức các buổi giới thiệu sách cho học sinh tìm đọc (tại thư viện trường hoặc trong tiết chào cờ đầu tuần).
 
MINH CHÂU
.
.
.