Thứ Tư, 04/11/2015, 16:01 (GMT+7)
.

Phòng, chống sốt xuất huyết: Cần biến kiến thức thành hành động

Ngày 22-10, bé gái 3 tuổi ngụ ấp Ông Non, xã Tân Trung, TX. Gò Công đã tử vong do sốc sốt xuất huyết (SXH) Dengue nặng - suy đa phủ tạng. Đây là điều đáng báo động về công tác phòng, chống SXH hiện nay.
Lãnh đạo và cán bộ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cùng tham gia Chiến dịch  diệt lăng quăng mẫu tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.
Lãnh đạo và cán bộ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cùng tham gia Chiến dịch diệt lăng quăng mẫu tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông.
Tiền Giang hiện là một trong những địa phương có diễn biến SXH phức tạp. Hiện toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.600 ca mắc, tăng gần 100% so với cùng kỳ năm 2014. SXH xuất hiện ngay từ đầu năm và tăng mạnh từ tháng 7 đến nay, tại tất cả các địa phương trong tỉnh đều có ghi nhận bệnh nhân mắc SXH.
 
Đặc biệt, Gò Công Đông là huyện có số ca mắc SXH tăng đột biến - tăng 376,5% so với cùng kỳ năm trước; kế đến là TP. Mỹ Tho tăng gần 200%; TX. Gò Công tăng 150% và huyện Cai Lậy tăng 126,6%. Ước tính trung bình tỉnh có 54,17 ca mắc SXH trên 100.000 dân và tỷ lệ này của huyện Gò Công Đông là 324 ca. 
 
SXH là bệnh nguy hiểm do vi rút, được muỗi truyền từ người này sang người khác và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa. SXH dễ dẫn đến tử vong khi có biến chứng. Việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có thể tiêu diệt được muỗi trưởng thành nên diệt lăng quăng là cách hữu hiệu để loại trừ muỗi gây bệnh SXH. 
 
Tháp tùng cùng với đội đặc nhiệm phòng, chống SXH của xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông đến tận hộ dân để phỏng vấn kiến thức, tuyên truyền và hướng dẫn cách phòng, chống SXH, chúng tôi ghi nhận kiến thức của người dân về vấn đề này rất tốt. 100% người dân được hỏi về nguyên nhân gây bệnh SXH đều cho biết do muỗi vằn truyền bệnh và cách phòng tránh bệnh hiệu quả nhất hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng. Tuy nhiên, khi kiểm tra dụng cụ chứa nước sinh hoạt gia đình và vật chứa nước mưa quanh nhà dân, chúng tôi phát hiện có rất nhiều lăng quăng. 
 
Cùng đoàn cán bộ Bộ Y tế đến khảo sát công tác phòng, chống SXH trên địa bàn tỉnh, các cán bộ này cho biết đã ghi nhận rất nhiều vật đọng chứa nước quanh nhà dân, thậm chí tại trạm y tế vẫn có lăng quăng.
 
Sau chuyến thị sát thực tế tại Tiền Giang, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã nhận định: Công tác truyền thông phòng, chống SXH được tỉnh thực hiện khá tốt. Kiến thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh, nguyên nhân gây bệnh và cách phòng bệnh rất cao. Đây là điều đáng mừng, nhưng giữa kiến thức và thực hành của một bộ phận người dân còn có khoảng cách nhất định. Vì vậy, để chiến dịch phòng, chống SXH hiệu quả hơn, mỗi người cần biến kiến thức thành hành động cụ thể.
 
THỦY HÀ
.
.
.