Thứ Tư, 06/01/2016, 14:48 (GMT+7)
.

BS CKII Lê Đăng Ngạn: Không nên trông chờ vắc xin dịch vụ

Sáng 5-1, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh bắt đầu tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 của Pentaxim cho trẻ em có nhu cầu trên địa bàn tỉnh. BS CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo các bậc làm cha làm mẹ không nên trông chờ vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tạo miễn dịch cho bé.

Theo phân phối của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Tiền Giang được cung cấp 400 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 của Pentaxim. Để tránh tình trạng chen lấn gây phiền hà cho người dân, Trung tâm đã dán thông báo tại điểm tiêm và chỉ tiếp nhận thông tin đăng ký của người dân qua điện thoại.

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhân viên của Trung tâm sẽ xếp lịch tiêm và liên hệ với các bậc làm cha làm mẹ các bé để thông báo thời gian tiêm cụ thể.

Số lượng vắc xin nhận được đợt này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của 133 trẻ (mỗi trẻ tiêm 3 liều), giá tiêm mỗi liều là 643.000 đồng. Vì số lượng vắc xin quá ít, cho nên Trung tâm chỉ có thể đáp ứng được một số lượng nhỏ nhu cầu của người dân.

Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ không nên trông chờ vào vắc xin dịch vụ, vì trong thời gian chờ đợi trẻ có thể mắc những bệnh mà lẽ ra đã có thể miễn dịch nhờ vắc xin tiêm chủng mở rộng, điều này rất nguy hiểm.

Chúng tôi không biết khi nào mới có nguồn vắc xin dịch vụ tiếp theo. Trong suốt năm 2014, chúng tôi không nhận được liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 hay 6 trong 1.

* Phóng viên (PV): Tâm lý người dân hoang mang về chất lượng của vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng so với vắc xin dịch vụ. Vậy liệu vắc xin dịch vụ có tốt hơn so với vắc xin tiêm chủng mở rộng, thưa ông?

* BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN: Đối với bất kỳ loại vắc xin nào khi lưu hành tại Việt Nam đều phải trải qua quá trình thử nghiệm về chất lượng và độ an toàn đối với người dân bản địa. Vắc xin cũng như thuốc và các sinh phẩm, không có loại vắc xin nào là an toàn tuyệt đối. Các trường hợp phản ứng sốc và phản ứng quá mẫn cảm đều có thể xảy ra với bất kỳ thuốc hoặc vắc xin nào ở một số trẻ có cơ địa nhạy cảm với thành phần có trong vắc xin.

Vắc xin Quinvaxem phòng được 5 bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Vắc xin Pentaxim giúp ngừa 5 bệnh: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và nhiễm khuẩn Hib.

Như vậy, điểm khác nhau của 2 loại vắc xin này là: Quinvaxem 5 trong 1 không có thành phần phòng bại liệt, còn Pentaxim 5 trong 1 không có thành phần ngừa viêm gan siêu vi B. Vắc xin Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, còn vắc xin Pentaxim có thành phần ho gà vô bào.

Đưa con đến tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Đưa con đến tiêm ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Vắc xin Quivaxem đáp ứng miễn dịch tốt hơn vì chứa thành phần ho gà toàn tế bào, trong khi vắc xin Pentaxin đáp ứng miễn dịch thấp hơn bởi chứa thành phần ho gà vô bào. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm chủng (sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc...) ở vắc xin Quinvaxem cao hơn, còn ở vắc xin Pentaxim thấp hơn. Tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm chủng giữa 2 loại vắc xin này là tương đương nhau.

Sở dĩ lâu nay chúng ta thấy phản ánh số ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem nhiều là vì số lượng mũi tiêm lớn, còn Pentaxim ít có phản ánh là do số lượng mũi tiêm ít. Trung bình mỗi năm cả nước có tới 1,5 triệu trẻ tiêm Quinvaxem, tương ứng với 4,5 triệu mũi tiêm; trong khi đó chỉ có khoảng 33.000 trẻ tiêm Pentaxim với khoảng 100.000 mũi. Do không có vắc xin dịch vụ, tại Tiền Giang hàng năm chúng tôi thực hiện khoảng 100.000 mũi tiêm Quinvaxem. Trong năm 2015, chúng tôi không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nào.

* PV: Trước tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ, ông có khuyến cáo gì đối với các bậc làm cha làm mẹ?

* BS CKII LÊ ĐĂNG NGẠN: Nhu cầu của người dân ngày càng cao. Tâm lý của các bậc làm cha làm mẹ muốn cho con thụ hưởng dịch vụ y tế tốt nhất. Do đó, khi chọn vắc xin tiêm cho con nên chọn vắc xin càng ít phản ứng phụ càng tốt. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ đã xảy ra rất nhiều năm. Tại Tiền Giang, đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được 400 liều vắc xin Pentaxim và chúng tôi không nắm rõ khi nào sẽ tiếp tục có hàng.

Khi con không được tiêm chủng đợt này, nhiều bậc làm cha làm mẹ sẽ chờ, nhưng chờ đến bao giờ thì chúng tôi không biết được. Trong khoảng thời gian chờ đó, trẻ có thể mắc những bệnh mà lẽ ra đã được ngừa trước đó. Mặt khác, với việc trông chờ như vậy sẽ làm cho trẻ qua khỏi thời điểm tiêm ngừa cần thiết, hiệu quả tiêm ngừa sẽ hạn chế. Thời điểm vàng để tiêm vắc xin đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất là khi trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi.

Tôi khẳng định lại, mức độ an toàn tiêm chủng của vắc xin Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và vắc xin dịch vụ Pentaxim là ngang nhau. Do đó, trong điều kiện nguồn không đủ đáp ứng vắc xin dịch vụ, các bậc làm cha làm mẹ nên chủ động đưa con em đến tiêm chủng tại trạm y tế theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng để chủ động bảo vệ con trẻ.­

* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.