Thứ Hai, 20/06/2016, 14:51 (GMT+7)
.

Nông sản "sạch" và nghịch lý cung - cầu

Có lẽ chưa bao giờ nông sản không rõ nguồn gốc lại gây nỗi lo lắng cho người tiêu dùng đến như vậy. Thế nhưng, người tiêu dùng muốn mua nông sản, thực phẩm “sạch” thì không phải dễ. Trong khi đó, các cá nhân, đơn vị sản xuất nông sản “sạch” vẫn đang kêu khó về đầu ra. Nghịch lý này bao giờ mới hết?

NỖI LO NÔNG SẢN, THỰC PHẨM KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đưa tin, phản ảnh về các vụ phát hiện nông sản, thực phẩm “bẩn” của các ngành chức năng, có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đã gây nên tâm lý lo lắng trong dân.

Chị Nguyễn Thị Trân, xã Tân Phú (Tân Phú Đông) bày tỏ: “Thời gian gần đây, tôi xem đài thấy nông sản, thực phẩm loại nào cũng có thể không an toàn. Từ trái cây, rau màu chứa dư lượng thuốc trừ sâu đến thịt heo có chứa chất cấm; thực phẩm thối được “hóa phép” trước khi đưa đi tiêu thụ, nhiều loại thực phẩm sử dụng các chất bảo quản ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng bị phát hiện....”.

Dù lo lắng nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua những nông sản không rõ nguồn gốc.
Dù lo lắng nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua những nông sản không rõ nguồn gốc.

Có nhiều con đường dẫn đến nông sản, thực phẩm mất an toàn: Có thể từ khâu sản xuất, khâu bảo quản, mua bán… Sử dụng nông sản, thực phẩm không an toàn từ những nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc đang là nỗi lo hàng ngày của người dân. Bởi, hàng ngày họ tiếp xúc với các nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan ở các chợ, vựa từ thành thị đến nông thôn.

Ông Trương Văn No, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) chia sẻ: “Rau, quả, thịt an toàn hay không an toàn, người dân không thể biết được, bởi không có gì để chứng minh. Từ thành thị đến nông thôn, nơi nào cũng bày bán nông sản không rõ xuất xứ. Thử hỏi, nếu không mua rau, trái, thịt, cá không rõ nguồn gốc này thì mua cái gì cho bữa cơm hàng ngày”.

Theo ông No, trước đây người dân còn thờ ơ với nông sản, thực phẩm không có nguồn gốc nhưng thời gian gần đây họ rất quan tâm đến điều này. Dù lo lắng với nông sản, thực phẩm không rõ nguồn gốc nhưng người dân vẫn phải mua vì họ không có sự lựa chọn nào khác.

“Mỗi khi mua rau, quả về, chúng tôi phải rửa rồi ngâm với muối trước khi dùng hay chế biến. Tôi thấy nhiều người làm vậy nên cũng làm theo thôi chứ có giải được độc tồn dư trong nông sản hay không thì không rõ. Nhưng dù sao làm như thế, tôi thấy an tâm hơn, khi ăn cũng đỡ “nhát” miệng hơn” - ông No tâm tư.  

NHƯNG NÔNG SẢN “SẠCH” VẪN TẮT ĐẦU RA

Nhu cầu nông sản, thực phẩm “sạch” trong dân rất lớn nhưng các điểm, cơ sở bán nông sản, thực phẩm này lại rất ít (phần lớn chỉ tập trung ở các siêu thị trong các đô thị). Trong khi đó, về phía sản xuất, ngoài một số mô hình, hợp tác xã, tổ hợp tác (THT) sản xuất theo GAP tìm được đầu ra ổn định do liên kết được với đơn vị tiêu thụ thì phần lớn các nông sản “sạch” còn lại đều gặp khó khăn về đầu ra.

Ông Trần Minh Mẫn, Tổ trưởng THT Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú (Tân Phú Đông) cho biết, từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay, THT vẫn chưa ký được hợp đồng tiêu thụ với đối tác nào, tất cả trái mãng cầu Xiêm đạt tiêu chuẩn VietGAP đều chấp nhận bán trôi nổi trên thị trường như các trái mãng cầu không đạt VietGAP khác.

“Cầu” đã có nhưng mạng lưới “cung” thì chưa hình thành. Ông Trần Văn Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo cho rằng, ý thức về sử dụng nông sản “sạch” đã có sự chuyển biến mạnh trong dân. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản “sạch” của người dân, thời gian gần đây, các ngành chức năng và huyện đã tổ chức nhiều mô hình, mở rộng một số diện tích sản xuất theo GAP như tổ chức khoảng 200 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 20 ha sản xuất rau an toàn ở Bình Phục Nhứt, Bình Phan và một số mô hình trồng ớt theo VietGAP...

Trong chăn nuôi, các ngành chức năng và huyện đang triển khai một số mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học ở Hòa Định, Bình Phục Nhứt. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm ở những mô hình, diện tích sản xuất theo hướng tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm trên vẫn tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra. Nguyên nhân là do các đơn vị sản xuất chưa liên kết được với đơn vị tiêu thụ.

Còn đơn vị tiêu thụ thì lâu nay chỉ lo tập trung cung ứng cho các công ty, siêu thị hay xuất khẩu với số lượng có giới hạn mà quên đi thị trường bán lẻ ở nông thôn. Theo ông Hòa, trước đây, các đơn vị tiêu thụ nông sản “sạch” thường gặp khó khăn về đầu ra do người dân chưa quan tâm nhiều về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn bây giờ thì đã khác rồi do đời sống người dân ngày càng cải thiện dẫn đến nhu cầu nông sản, thực phẩm “sạch” ngày càng tăng. Mặt khác, qua các báo, đài thông tin về nông sản, thực phẩm không an toàn nên người dân ý thức hơn về vấn đề này. Thế nhưng, dù nhu cầu tăng cao nhưng người dân vẫn chưa thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm “sạch”.

“Theo tôi được biết, hiện nay chỉ có TP. Mỹ Tho là nơi có sạp bán thịt heo “sạch” tại chợ do cơ quan thú y tổ chức, còn lại các nơi khác chưa nghe nói. Ngay cả Chợ Gạo là nơi trồng rau màu, chăn nuôi rất phát triển nhưng lại không có cửa hàng nào bán nông sản, thực phẩm “sạch”. Như vậy, người dân muốn mua nông sản, thực phẩm “sạch” thì phải đi đâu mua?” - ông Hòa đặt vấn đề.

Theo định hướng của ngành Nông nghiệp, ngành đang và sẽ đẩy mạnh triển khai sản xuất theo hướng an toàn, GAP gắn với tiêu thụ hình thành chuỗi liên kết. Đó là hướng đi cần thiết. Nhưng như thế không vẫn chưa đủ. Các ngành, đơn vị cần thúc đẩy, tham gia phát triển mạnh mạng lưới bán lẻ cung ứng nông sản, thực phẩm “sạch” từ thành thị đến nông thôn, qua đó góp phần nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm trong dân; đồng thời loại bỏ dần các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm “bẩn”.

Được biết, hiện nay một số doanh nghiệp đang có hướng mở các cửa hàng bán nông sản “sạch” tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Điều này mở ra hy vọng cho người dân có cơ hội tiếp cận nông sản, thực phẩm “sạch”.

NGÔ VĂN

.
.
.