Thứ Sáu, 23/09/2016, 14:17 (GMT+7)
.

Ngọt hóa Gò Công: Không thể "ôm" mãi 3 vụ lúa

Không còn diễn ra theo chu kỳ sau nhiều năm mới lặp lại, những năm gần đây, sản xuất lúa ở vùng Ngọt hóa Gò Công liên tục xảy ra thiếu nước ở cuối vụ đông xuân. Chắc chắn thực trạng trên không dừng lại ở đây khi mà vụ lúa đông xuân năm 2016 - 2017 và các năm tiếp theo được các nhà chuyên môn dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng nếu cơ cấu các vụ lúa trong vùng không thay đổi.

Vụ hè thu và đông xuân thường gặp khó khăn về nước do áp lực thời vụ trong cơ cấu sản xuất 3 vụ lúa/năm.
Vụ hè thu và đông xuân thường gặp khó khăn về nước do áp lực thời vụ trong cơ cấu sản xuất 3 vụ lúa/năm.

LẠI THU ĐÔNG “MUỘN”

Theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn, sau thu hoạch hè thu, nông dân cần tranh thủ xuống giống lúa thu đông trong đầu tháng 9 và nếu muộn cũng không sau ngày 15-9 mới có thể đảm bảo thời vụ đông xuân tiếp theo.

Tuy nhiên, thực tế có nhiều diện tích lúa hè thu kết thúc rất muộn. Ông Năm Sáng (huyện Gò Công Tây) cho biết, ông có 4 công lúa hè thu đang giai đoạn chín, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 9 này. Trước viễn cảnh vụ lúa đông xuân tới sẽ xuống giống trễ dẫn đến khó khăn về nước như năm rồi nếu tiếp tục sản xuất lúa thu đông, ông Sáng cho biết sau khi tính toán ông quyết định thu hoạch xong 4 công lúa hè thu này sẽ không sạ lúa tiếp vụ thu đông mà chuyển sang trồng màu ngắn ngày để kịp thời vụ lúa đông xuân tới.

Tình trạng thu hoạch lúa hè thu trễ cũng đang xảy ra ở hầu hết các huyện, thị trong vùng Ngọt hóa Gò Công. Nguyên nhân là đầu vụ hè thu mưa đến muộn, mặn rút chậm; một số nơi lúa xuống giống bị chết phải sạ lại nên vụ hè thu bị kéo dài. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, đến ngày 12-9, các huyện, thị phía Đông của tỉnh xuống giống trên 22.000 ha lúa (trong đó có trên 3.300 ha sản xuất thu đông sớm).

Còn theo đánh giá và tính toán của Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, sẽ không có nhiều diện tích lúa hè thu thu hoạch muộn chuyển sang trồng cây ngắn ngày khác ở vụ thu đông do khó khăn khâu chuẩn bị đất, thị trường tiêu thụ.

Theo đó, toàn vùng có khoảng 6.000 ha xuống giống sau ngày 15-9 nằm rải rác ở 4 huyện, thị trong vùng ngọt hóa (huyện Gò Công Tây khoảng 2.700 ha, huyện Gò Công Đông 2.500 ha, TX. Gò Công 400 ha, huyện Chợ Gạo 270 ha).

CẦN GIẢM DIỆN TÍCH LÚA

Theo ghi nhận từ cơ quan chức năng, qua các giải pháp tuyên truyền, vận động về chuyển đổi vụ lúa hè thu trước tác động bất lợi của thời tiết, toàn vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đã có khoảng 3.800 ha đã chuyển đổi sang cây ngắn ngày và tất cả đã xuống giống lúa vụ thu đông trước tháng 9.

Đến nay, các trà lúa thu đông sớm này đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng, đẻ nhánh, trổ nên hoàn toàn đảm bảo thời vụ đông xuân 2016 - 2017. Phần lớn các diện tích còn lại trong vùng chỉ mới bắt đầu bước vào sản xuất lúa vụ thu đông, trong đó có nhiều diện tích xuống giống vụ thu đông rất muộn.

Ông Đỗ Thành Sơn cho biết, hàng năm đến tháng 8, cống Long Hải (xã Long Bình, huyện Gò Công Tây) có thể lấy nước nhưng đến nay vẫn chưa lấy được nước do nước thượng nguồn không đẩy được mặn ra biển.

Năm nay, đầu nguồn sông Cửu Long lại tiếp tục không có lũ. Do đó, tình hình xâm nhập mặn ở vụ đông xuân tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, cho biết, từ ngày 1 đến 10-9, toàn vùng chỉ có trên 6.700 ha xuống giống; trên 13.600 ha xuống giống từ ngày 11 đến 20-9, trong đó có khoảng 50% diện tích xuống giống sau ngày 15-9; gần 1.600 ha khả năng xuống giống từ ngày 21 đến 30-9 và gần 2.000 ha xuống giống từ 1 đến 10-10 (vùng này chỉ sản xuất 2 vụ lúa).

Vì thế, số diện tích xuống giống sau ngày 15-9 (trừ vùng sản xuất 2 vụ lúa) được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về nước vào cuối vụ đông xuân. Song, theo ông Sơn, thực tế số diện tích khó khăn về nước trong vụ đông xuân sẽ còn lớn hơn nhiều.

Bởi, theo lý giải của ông, trong điều kiện không bị xâm nhập mặn, cống Vàm Giồng và Xuân Hòa cùng vận hành mới có thể đảm bảo nước cho sản xuất 29.000 ha lúa. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, cống Vàm Giồng hầu như không tham gia vận hành trữ nước và phục vụ vụ đông xuân do phải đóng ngăn mặn sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 tháng.

Tình trạng này dự báo sẽ còn tiếp tục trong những năm tới. Như vậy, trong điều kiện lấy nước ổn định, cống Xuân Hòa chỉ đáp ứng khoảng 17.000 ha lúa đang trong giai đoạn cần nước. Từ đó, ông đặt vấn đề cần cơ cấu lại vụ lúa theo hướng có ít nhất 12.000 ha chuyển sản xuất cây rau màu ngắn ngày trong 1 vụ để số diện tích này sẽ xuống giống lúa vụ đông xuân ngay trong tháng 11, còn 17.000 ha còn lại có thể xuống giống vào giữa tháng 12 như lịch thời vụ hàng năm.

Còn về lâu dài để đảm bảo sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, toàn vùng nên chuyển được ít nhất 1 vụ lúa trong năm để giảm áp lực nguồn nước, lịch thời vụ hè thu và đông xuân.

Trước xu thế biến đổi khí hậu tác động đến sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hóa, hiện nay tỉnh đang xây dựng Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đề án xây dựng là từng bước giảm diện tích lúa, tiến đến không còn diện tích lúa sản xuất 3 vụ/năm.

Đồng ý với quan điểm này, các nhà khoa học cho rằng việc giảm diện tích lúa, tăng diện tích rau, quả ở các huyện phía Đông (phần lớn là vùng Ngọt hóa Gò Công) là rất cần thiết. Song, để bù lại sản lượng lúa giảm do giảm diện tích, các nhà khoa học đề xuất tỉnh cần đưa các giống lúa dài ngày, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu để nâng giá trị bù lại sản lượng lúa giảm.

N.VĂN

.
.
.