Thứ Năm, 13/08/2020, 22:10 (GMT+7)
.

Để Nghị định 100 ăn sâu, bám trụ vào đời sống xã hội

(ABO) Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 ngày 30-12-2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100), thời gian qua các bộ, ngành, địa phương nói chung và Tiền Giang nói riêng đã đồng loạt triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, từ đó nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của nhân dân.

Chính vì vậy, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đã có chuyển biến tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã cơ bản giảm, nhất là tai nạn do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn đã giảm rõ rệt. Điều đó cho thấy, những quy định của pháp luật phù hợp với thực tiễn và đã đi vào cuộc sống.

Mới đây, để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc chấp hành các quy định của pháp luật, tăng cường phòng ngừa, phát hiện, ngặn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có nồng độ cồn, Công an Tiền Giang đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý ở khu vực đô thị nơi có quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn…; các tuyến Quốc lộ (QL) 1, QL50, QL60, QL30 có nhiều quán ăn, nhà hàng, điểm du lịch…; các tuyến giao thông liên xã, liên huyện, đường tỉnh.

Lực lượng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra nồng độ cồn vào tối 12-8.
Lực lượng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang kiểm tra nồng độ cồn vào tối 12-8. Ảnh: Văn Thảo

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an Tiền Giang, từ ngày 1-8 đến 7 giờ ngày 12-8, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 92 trường hợp lái xe mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 529 triệu đồng, tạm giữ 92 phương tiện, 92 giấy tờ. Qua số liệu trên cho thấy, rõ ràng ý thức người dân về việc “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” có nâng lên rõ rệt, nhưng tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn còn.

Rõ ràng 92 trường hợp lái xe mô tô, ô tô vi phạm nồng độ cồn chỉ là con số đã được ngành Công an phát hiện, xử lý. Trong khoảng thời gian từ ngày 1-8 đến 7 giờ ngày 12-8 còn bao nhiêu trường hợp đã uống rượu, bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà chưa được phát hiện? Câu hỏi ấy buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thực tế là lực lượng CSGT dù có được tăng cường thì cũng khó có thể tuần tra, kiểm soát tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh trong suốt 24/7 để xử lý hết các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Vấn đề cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của nhân dân. Khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không còn ý nghĩ tìm cách đối phó với CSGT, mà tự ý thức thay đổi thói quen, dần hình thành văn hóa sử dụng rượu, bia lành mạnh… thì các quy định của pháp luật về an toàn giao thông mới thật sự đi sâu vào đời sống xã hội.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó phải có quá trình lâu dài, đòi hỏi các ngành chức năng không ngừng thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp tuyên truyền cần được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, đa dạng hơn nữa; đồng thời, phải không ngừng điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông bằng các công cụ pháp luật. Cụ thể là ngành Công an phải không ngừng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm răn đe, giáo dục. Công việc ấy không thể chỉ tăng cường trong từng giai đoạn nhất định, mà phải là việc làm thường xuyên, hằng ngày.

THIÊN LÊ

.
.
.