Thứ Hai, 05/10/2020, 20:19 (GMT+7)
.

Cần thành lập công ty khai thác hệ thống thủy lợi liên tỉnh ĐBSCL

Việc vận hành quản lý công trình thủy lợi ở các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL còn nhiều bất cập; đã nảy sinh các mâu thuẫn giữa các địa phương về nhu cầu sử dụng nguồn nước, thoát và trữ lũ.

Theo sự nhận định chung tại buổi thảo luận đề xuất mô hình khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tuần qua, những tồn tại này sẽ khó có thể được giải quyết nếu không có một tổ chức trung gian đủ thẩm quyền.

Buổi thảo luận do Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam, Trung tâm Trung tâm tư vấn quản lý thủy nông, Viện kinh tế và quản lý thủy lợi phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận. Ảnh: Nam Bình
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại buổi thảo luận. Ảnh: Nam Bình

Theo bản Báo cáo đề dẫn tại buổi thảo luận, trong tổng số 13.482 công trình thủy lợi vùng ĐBSCL, các tổ chức khai thác thủy lợi cấp tỉnh quản lý 1.461 công trình. Trong số đó, chỉ có 23 công trình lớn (5,7%); 165 công trình vừa (11,3%); 1.333km kênh lớn, 18.556 kênh vừa. Số lượng các công trình vừa và lớn do các tổ chức khai thác thủy lợi cấp tỉnh quản lý là không nhiều.

Khác với những vùng khác trên cả nước, khoản mục chi cho hoạt động bộ máy của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi ở ĐBSCL có tỷ lệ thấp là 8,8%. Trong khi khoản chi bảo trì, mà chủ yếu là chi sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn và nạo vét lại chiếm tỷ trọng rất lớn (trên 91,2%), cao nhất cả nước.

Việc khai thác quản lý công trình thủy lợi vùng ĐBSCL còn tồn tại nhiều bất cập. Công trình ở tỉnh này nhưng lại phục vụ chủ yếu cho tỉnh khác. Công trình trên địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện quản lý nên khó tránh khỏi lợi ích của địa phương, không điều hòa được nguồn nước ngọt, xả lũ hay ngăn mặn giữa các địa phương trong hệ thống.

Nhiều tuyến kênh trục, kênh cấp 1 là các kênh tưới tiêu, kết hợp giao thông thủy. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của ngành giao thông thủy và thủy lợi. Do hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL có tính liên thông cao, việc đầu tư xây dựng hệ thống Cái Lớn-Cái Bé sẽ tác động đến các công trình hiện có trên phạm vi rộng lớn.

Do vậy, việc xây dựng tổ chức quản lý khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và hệ thống thủy lợi liên tỉnh ở vùng ĐBSCL là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Thủy lợi.

Theo đó, có ba phương án được đưa ra. Phương án 1 là thành lập công ty quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, trực thuộc Bộ NNPTNT quản lý, khai thác theo Luật thủy lợi. Phương án 2 là thành lập chi nhánh trực thuộc công ty khai thác công trình thủy lợi (CTTL) Dầu Tiếng - Phước Hòa để quản lý hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Phương án 3 là thành lập công ty khai thác CTTL Miền Nam trên cơ sở kiện toàn công ty Dầu Tiếng - Phước Hòa, và mở rộng phạm vi quản lý các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL.

Ưu điểm của phương án 3 là các thủ tục pháp lý sẽ đơn giản hơn so với thành lập mới công ty. Tổ chức bộ máy sẽ gọn nhẹ, có tổ chức của Bộ để giải quyết được các bất cập hiện nay trong quản lý vận hành các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL. Đồng thời, có thể điều tiết nguồn thu giữa các hệ thống thủy lợi liên tỉnh với những đặc thù khác nhau.

Tuy nhiên phương án 3 cũng có điểm hạn chế khi cách thức quản lý vận hành hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống hồ chứa, vốn có nhiều điểm khác với các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL chủ yếu là cống và sông trục tự nhiên.

Trên cơ sở so sánh các ưu và khuyết điểm, đại diện Ban Quản lý Đầu Tư và Xây dựng Thủy lợi 10 trực thuộc Bộ NNPTNT đề xuất mô hình tổ chức khai thác hệ thong thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé và các hệ thống thủy lợi liên tỉnh vùng ĐBSCL theo Phương án 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, đối với hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé thì việc vận hành là khâu quyết định. Phương án vận hành sẽ quyết định việc tổ chức bộ máy quản lý. “Các chuyên gia, các viện nghiên cứu cần tiếp tục thảo luận, tìm phương án đảm bảo tính thống nhất cao trước khi đưa ra lấy ý kiến ở các địa phương”, Thứ trưởng Hoàng Hiệp nói.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.