Thứ Tư, 23/09/2020, 09:21 (GMT+7)
.

Cần đưa những tấm gương truyền cảm hứng vào nhà trường

(ABO) Trong những ngày qua, khi năm học mới vừa bắt đầu thì nhiều câu chuyện vượt khó vươn lên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, gây xúc động mạnh mẽ cho người đọc. Đầu tiên là câu chuyện của em Hồ Hữu Hạnh (xã Gia Canh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) không có tay, vừa đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai).

a
Đôi chân của Hạnh đã gò từng con chữ khó nhọc để nuôi ước mơ vào giảng đường đại học. (Ảnh: Nguồn Báo Tuổi Trẻ)

Câu chuyện của Hạnh đã từng gây xúc động mạnh mẽ từ 10 năm trước, khi phóng sự ảnh “Chuyện của bé Hạnh” được đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Hai chân đã thay đôi tay giúp Hạnh quét nhà, rửa chén, chơi với em. Đôi chân ấy cũng đã gò từng con chữ khó nhọc trên giấy trắng, bảng đen.

Và đôi chân ấy còn giúp Hạnh làm quen với chiếc máy tính do nhà hảo tâm tặng khi Hạnh còn là cậu học trò lớp 3. Từ đó tình yêu dành cho công nghệ thông tin cứ lớn dần lên, để rồi hôm nay Hạnh đã đặt chân vào giảng đường đại học và được học ngành mình đam mê theo đuổi.

Tiếp theo đó là câu chuyện của Ngô Minh Hiếu và Nguyễn Tất Minh (Trường THPT Triệu Sơn 5, tỉnh Thanh Hóa) ròng rã 10 năm cõng bạn đến trường. Minh sinh ra đã bị dị tật bẩm sinh, đôi chân và 1 tay co quắp, ngày càng teo dần. Do gia đình khó khăn nên không thể tiếp tục đưa Minh đến trường, thương bạn nên Hiếu đã “thay đôi chân”, cõng Minh đến trường trong suốt 10 năm qua.

Cả Minh và Hiếu đều không có điều kiện học thêm, nhưng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tổng điểm 3 môn khối B của Hiếu đạt 28,15 điểm; còn tổng điểm khối A của Minh là 28,10 điểm. Hiếu ước mơ trở thành bác sĩ để chữa lành đôi chân cho bạn, còn Minh ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin.

Đó chỉ là hai câu chuyện cảm động điển hình trong nhiều câu chuyện vượt khó đã được các phương tiện truyền thông chuyển tải trong đầu năm học 2020 - 2021. Hai câu chuyện đã để lại cho người đọc sự xúc động mạnh mẽ về tình bạn cao đẹp, về nghị lực vượt khó vươn lên… Và hơn thế nữa, nó còn là những câu chuyện truyền cảm hứng, là những “hạt giống tâm hồn” không chỉ cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên, mà còn cho tất cả mọi người. 

Trong cuộc sống, việc truyền cảm hứng trong lao động, học tập, sáng tạo… là rất cần thiết. Đối với học sinh, sinh viên, việc truyền cảm hứng, lan tỏa niềm tin trong học tập lại càng quan trọng hơn. Bởi chỉ khi nào các em tìm thấy cảm hứng thật sự thì động lực học tập mới được hình thành và thôi thúc một cách mãnh liệt nhất. Từ đó, kết quả học tập mới dần được cải thiện và có bước nhảy vọt mạnh mẽ để hướng đến một mục tiêu nhất định.

a
Thương bạn nên Hiếu đã “thay đôi chân”, cõng Minh đến trường trong suốt 10 năm qua. (Ảnh: Nguồn Zingnews)

Tuy nhiên, hiện nay nhà trường dường như chưa quan tâm đúng mức đến việc truyền cảm hứng cho học sinh. Chính vì vậy, không ít học sinh thiếu cảm hứng, thiếu động lực học tập, không có ước mơ, hoài bão, từ đó chưa chú tâm dồn hết sức lực cho việc học. Vì vậy, những câu chuyện như chuyện của Hạnh, của Hiếu và Minh cần được đưa vào nhà trường dưới nhiều hình thức để tạo cảm hứng, hình thành động lực giúp học sinh không ngừng nỗ lực phấn đấu.

Đừng để những câu chuyện đẹp có giá trị như những “hạt giống tâm hồn” ấy chỉ dừng lại trên trang báo. Nhà trường cần đặc biệt quan tâm, tìm hình thức phong phú để đưa các câu chuyện về những tấm gương truyền cảm hứng ấy bước ra khỏi trang báo, đi vào nhà trường, tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh nỗ lực vươn lên…

THIÊN LÊ

 

.
.
.