Thứ Năm, 08/10/2020, 20:09 (GMT+7)
.

Ngô Minh Hiếu: Sự trưởng thành của tuổi 18

(ABO) Trong mấy ngày qua, câu chuyện của cậu học trò 10 năm cõng bạn đến trường Ngô Minh Hiếu (Báo Ấp Bắc điện tử đã có thông tin qua bài viết Cần đưa những tấm gương truyền cảm hứng vào nhà trường), Trường THPT Triệu Sơn 5, tỉnh Thanh Hóa, không đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội do còn thiếu 0,25 điểm tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Rất nhiều người mong muốn Trường Đại học Y Hà Nội đặc cách tuyển Hiếu vào học, vì Hiếu xứng đáng được như thế. Thầy cô của Trường THPT Triệu Sơn 5 cũng rất mong muốn Trường Đại học Y Hà Nội xem xét, vận dụng các quy định phù hợp (nếu có) để tuyển Hiếu vào trường nhằm giúp Hiếu đạt được nguyện vọng. Đồng thời, để Hiếu có điều kiện tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Nguyễn Tất Minh (đậu vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trong quá trình học tập ở Hà Nội.

aaa
Hiếu cho biết, dù Trường Đại học Y Hà Nội có đặc cách tuyển em vào học, em cũng xin từ chối. Ảnh: Nguồn Internet

Trước sự quan tâm đặc biệt của xã hội, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế cũng đã lên tiếng, đánh giá cao tinh thần tương trợ và nỗ lực vượt khó của đôi bạn Minh và Hiếu.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Y dược Thái Bình, ngôi trường Hiếu đủ điểm đậu, hứa sẵn sàng miễn học phí trong suốt thời gian Hiếu theo học tại trường và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Hiếu học tập, theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ trong tương lai.

Về phía Hiếu, trả lời trên các phương tiện truyền thông, em cho biết rất xúc động và cảm ơn tất cả mọi người, đặc biệt là các thầy cô giáo của Trường THPT Triệu Sơn 5 đã âm thầm lo lắng. Những ý tốt của thầy cô, Hiếu không được biết. Nhưng dù Trường Đại học Y Hà Nội có đặc cách, Hiếu cũng xin từ chối.

Theo Hiếu, mình thiếu 0,25 điểm, nhưng có nhiều bạn lại chỉ thiếu 0,05 điểm, nếu ai cũng đưa những lý do như mình để xem xét thì sẽ trở thành một câu chuyện xin - cho và sẽ làm mất đi truyền thống của nhà trường.

“Nếu được, suất đặc cách của em có chắc sẽ bằng các suất đậu chính thức của các bạn hay không? Và khi em vào học, liệu các bạn ở trong trường có coi em như một người bạn bình thường hay không? Người ta có xa lánh mình hay không vì mình là người được đặc cách? Như vậy họ có phục mình không, người ta sẽ nghĩ mình như thế nào...?”.

Hiếu đưa ra một loạt câu hỏi như trên rồi kết luận: “Em thấy như vậy là không nên. Không nên sử dụng cái sự nổi tiếng của mình là cõng bạn 10 năm qua để xin vào trường đại học”.

Trước sự trưởng thành của Hiếu, nhiều người cho rằng đó là một nhân cách đáng nể trọng, dù em là một học sinh vừa tròn 18 tuổi và mới rời trường THPT. Hiếu không lấy việc 10 năm cõng bạn là một thứ công lao để được đặc cách vào Trường Đại học Y Hà Nội, không muốn dành lợi thế để tạo ra sự bất công cho người khác.

Những suy nghĩ và cách ứng xử của Hiếu đáng để nhiều người phải suy nghĩ…

THIÊN LÊ
 

.
.
.