Thứ Năm, 05/11/2020, 15:41 (GMT+7)
.

"Độ xe", thú chơi nguy hiểm

(ABO) Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không khó để mọi người sắm sửa cho mình một chiếc mô tô phân khối lớn. Thế nhưng để sử dụng các loại xe này như thế nào cho phù hợp với văn hóa giao thông thật sự là chuyện đáng bàn. Bởi hiện nay ngoài đường vẫn còn hiện tượng nhiều người điều khiền xe phân khối lớn nẹt pô gây khó chịu cho người đi đường hay tình trạng "độ xe" diển ra khá phổ biến.

Các xe phân phối lớn khi lưu thông trên đường cần chạy với tốc độ vừa phải nhất là ở các đường phố, khu dân cư.
Điều khiển xe phân phối lớn lưu thông trên đường.

Có thể nói, việc điều khiển xe mô tô phân phối lớn nếu tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, thiết kế của xe cũng như nhưng quy định của luật giao thông thì là chuyện bình thường. Thực tế, trong quá trình thiết kế, lắp ráp các xe phân khối lớn thì ống pô và vị trí lắp đặt đã được nhà sản xuất thiết kế đúng kỹ thuật, phù hợp với từng loại xe.

Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất các loại xe phân phối lớn, các hãng xe cũng đã lắp đặt các thiết bị làm giảm âm thanh. Thế nhưng, không ít người lại gỡ những thiết bị giảm âm thanh ra, tiến hành “độ” pô xe, tăng dung lượng âm thanh vượt mức quy định. Có nhiều lý do cho thú chơi "độ xe", có thể là do sở thích, và cũng có thể muốn khẳng định đẳng cấp của người chơi xe.

Việc "độ xe" như trên là vô cùng nguy hiểm, bởi không những làm náo loạn đường phố, mà còn có thể làm cho người đi đường giật mình, loạng choạng tay lái, dẫn đến tai nạn. Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ đua xe trái phép cũng như phát hiện xử lý các tiệm “độ xe", thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, mới đây vào đầu tháng 11-2020, Công an TP. Mỹ Tho đã phát hiện trong tiệm sửa xe máy trên địa bàn có nhiều xe máy được thay đổi kết cấu, thay đổi bộ phận giảm âm thanh.

Nẹt pô, rú ga, chạy lạng lách… là những hành vi phản cảm trong văn hóa giao thông. Để tránh sự cố đáng tiếc từ những hành vi này; ngoài ý thức của người tham gia giao thông, rất cần sự phối hợp, quyết liệt xử lý của các ngành chức năng; trên hết là lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, phát hiện những nhóm, cá nhân cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người đi đường. Đặc biệt các lực lượng chức năng cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử phạt thật nghiêm các cơ sở sửa xe máy tham gia "độ xe" như “độ” pô xe, tăng âm thanh còi xe…

NGUYÊN MINH







 

.
.
.