Thứ Hai, 16/11/2020, 14:40 (GMT+7)
.

Tận dụng "trụ đỡ" để phát triển

(ABO) Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã xác định nông nghiệp là một "trụ đỡ" rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Một trong những khâu đột phá cho chặng đường sắp tới của Tiền Giang là tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực. Hướng tiếp cận mới nhằm hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ trái cây. Đây cũng là lợi thế của Tiền Giang so với các tỉnh, thành trong khu vực.

Bên cạnh đó, Tiền Giang sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, chế biến nông sản, nhất là trái cây; tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực trong những ngành và lĩnh vực có lợi thế so sánh, nhất là sản phẩm nông nghiệp, du lịch.

Nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu ngành Nông nghiệp đang hướng đến.
Nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu ngành Nông nghiệp đang hướng đến.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả khâu đột phá quan trọng này, theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi tác động của dịch Covid-19, tỉnh Tiền Giang đã xác định nông nghiệp là một "trụ đỡ" rất quan trọng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự trị an trên địa bàn tỉnh.

Là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng trái cây, với hơn 80 ngàn ha và sản lượng đạt khoảng 1,5 triệu tấn/năm, cùng mạng lưới thu mua rộng khắp các vùng chuyên canh và 14 nhà máy chế biến trái cây đang hoạt động với công suất chế biến 47.000 tấn/năm. Tiền Giang cũng đã xác định 7 chủng loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu gồm: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công…

Đây là những lợi thế rất quan trọng, góp phần đưa Tiền Giang vươn lên, đạt mục tiêu là tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Cụ thể hóa mục tiêu đạt được đối với "trụ đỡ" nông nghiệp, theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, trong thời gian tới tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chú trọng thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản, nhất là trái cây để góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị của hàng hóa nông sản, trái cây - đây là loại cây chủ lực và là thế mạnh của tỉnh Tiền Giang.

Thu hút đầu tư và chế biến nông sản đang được tỉnh Tiền Giang ưu tiên.
Thu hút đầu tư và chế biến nông sản đang được tỉnh Tiền Giang ưu tiên.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung thu hút, khai thác các khu đất công: Khu 65 ha tại xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành), khu 200 ha tại xã Mỹ Phước (huyện Tân Phước), khu 200 ha quy hoạch phát triển chăn nuôi tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước), khu 352 ha quy hoạch nuôi thủy sản tại xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông)…

Trên thực tế, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, với cơ cấu cây trồng vật nuôi phong phú, đa dạng như: Lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại, với sản lượng lớn như trái cây khoảng 1,5 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước; rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm; đàn gia cầm khoảng 13 triệu con.

Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành có rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Chính vì vậy, tỉnh Tiền Giang luôn chú chú trọng mời gọi đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...

Thực tế vừa qua cho thấy, bên cạnh chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ngành Nông nghiệp cũng đã chuyển động mạnh mẽ, nhất là sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các sản phẩm chủ lực như: Thanh long, vú sữa, rau...

Chẳng hạn, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện: Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”; thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển cây vú sữa Lò Rèn; phát triển vùng trồng rau theo tiêu chuẩn GAP; tổ chức thực hiện và triển khai 2 Dự án: “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng gà ác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020” và Dự án “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng chim cút trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Khu chăn nuôi tập trung với quy mô 200 ha tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước).

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng tiếp tục hoàn chỉnh Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; lập Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”…

Nhìn một cách tổng thể, "trụ đỡ" nông nghiệp bao giờ cũng được tỉnh Tiền Giang xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng. Với những gì đã và đang diễn ra, cùng với định hướng cho chặng đường tới, chắc chắn "trụ đỡ" nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục gặt hái nhiều thành quả quan trọng và trở thành nền tảng vững chắc để Tiền Giang phát triển.

T.T

.
.
.