Thứ Ba, 17/11/2020, 20:36 (GMT+7)
.

Truyền thống "tôn sư trọng đạo" vẫn lan tỏa

(ABO) Cho dù xã hội có phát triển đến đâu thì “tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống, là nét đẹp văn hóa thấm đẫm trong tâm hồn người Việt. Đạo lý thầy - trò cũng là một trong những đạo lý thiêng liêng, luôn được giữ gìn và bồi đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác của dân tộc.

a
Truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa. Ảnh: Phi Công

Trong xã hội người Việt xưa, vị thế của người thầy được đặc biệt coi trọng, là biểu tượng thiêng liêng của đạo đức, nhân cách và tri thức. Vì vậy, người thầy trong xã hội người Việt xưa được kính trọng, tôn vinh, xem đó là chuẩn mực để hướng tới. Từ đó, nhân dân trong xã hội người Việt xưa gửi gắm niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự dạy dỗ của thầy, mong muốn qua đó giúp con cái của mình được học hành đỗ đạt, nên người, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ cũng luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của người thầy trong xã hội. Trong bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 21-10-1964, Bác khẳng định: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Thế hệ của chúng tôi - những người trưởng thành sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước - bài học về “tôn sư trọng đạo” luôn được thầy cô dạy bảo trong nhà trường. Ngay từ bậc tiểu học, chúng tôi đã được học và luôn được nhắc nhở: “Công cha - nghĩa mẹ - ơn thầy”, “Không thầy đố mầy làm nên/ Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắt cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy"

Ở gia đình, chúng tôi cũng được cha mẹ luôn dạy bảo: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Gặp thầy ngả mũ chào thầy”, hay “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”… để nhắc nhở chúng tôi về truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Từ đó, tình cảm và lòng biết ơn, kính trọng thầy cô luôn được bồi đắp và lớn dần trong tâm hồn.

Ngày nay, do tác động của cơ chế thị trường, nhà trường chủ yếu quan tâm việc dạy chữ, việc giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường chưa được coi trọng đứng mức; một số ít giáo viên đã không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, việc nuông chiều thái quá của phụ huynh, xem nhẹ vai trò của người thầy, đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của học sinh đối với thầy cô. Từ đó, truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng ít nhiều bị phai nhạt trong đời sống xã hội. 

Để khơi dậy và hun đúc tình cảm thầy - trò đúng với tinh thần “tôn sư trọng đạo” của truyền thống dân tộc thì đòi hỏi nhà trường, gia đình và xã hội phải không ngừng bồi đắp; trong đó mỗi thầy cô giáo không chỉ là người truyền cảm hứng học tập, rèn luyện, mà còn phải là tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức, lối sống, nhân cách để cho học sinh noi theo.

Công nghệ dù có phát triển đến đâu thì cũng chỉ có thể thay thế con người thực hiện một số phần việc trong cuộc sống, chứ không thay thế được vai trò của người thầy trong đời sống xã hội. Và xã hội dù có phát triển vượt bậc cùng với sự thay đổi của một số giá trị trong cuộc sống, nhưng chắc chắn rằng truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn tiếp tục được bồi đắp và lan tỏa, bởi đó không chỉ là bản sắc văn hóa, mà còn là nét đẹp ngàn năm văn hiến của dân tộc.

THIÊN LÊ

 

.
.
Liên kết hữu ích
.