Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:46 (GMT+7)
.

Tạo động lực cho giai cấp công nhân lớn mạnh

(ABO) Qua từng giai đoạn cách mạng, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử riêng. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giai cấp công nhân không chỉ lao động, sản xuất, mà còn đồng hành cùng với dân tộc, sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh đòi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), giai cấp công nhân là lực lượng tiên phong, không ngừng thi đua lao động sản xuất với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, đóng góp tích cực trong công cuộc kiến thiết, xây dựng lại quê hương, đất nước.

Qua 36 năm đổi mới và hơn 14 năm thực hiện Nghị quyết 20 ngày 28-1-2008 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân cả nước không ngừng lớn mạnh, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói, đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như hiện nay, sự đóng góp của giai cấp công nhân là vô cùng to lớn. 

a
Đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như hiện nay, sự đóng góp của giai cấp công nhân là vô cùng to lớn. Ảnh: HỮU NGHỊ

Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân đã tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đời sống của giai cấp công nhân cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, môi trường làm việc, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân vẫn còn những khó khăn nhất định; thu nhập của một bộ phận công nhân chưa tương xứng với sức lao động của chính họ.

Việc công nhân phải ở trong những căn phòng trọ chật hẹp, thiếu tiện nghi sinh hoạt, nhưng phải trả chi phí thuê nhà, giá điện, nước cao vẫn còn phổ biến. Bữa cơm của công nhân thiếu chất, không đảm bảo an toàn thực phẩm, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe, thể lực của người lao động vẫn còn xảy ra và không phải là cá biệt. Vấn đề sức khỏe của công nhân cũng chưa được quan tâm đúng mức trong các doanh nghiệp…

Nhìn ở góc độ khác, chúng ta cũng thấy tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân ở Việt Nam chưa cao; vẫn còn tình trạng công nhân nghỉ việc, nhảy việc, ngừng việc tập thể, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, không ít công nhân chưa tuân thủ nghiêm các nội quy, quy định của doanh nghiệp; công nhân thiếu ý chí việc học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề…

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, bản thân công nhân cũng phải không ngừng phấn đấu, vươn lên, tự hoàn thiện chính mình. Mặt khác, để giữ chân công nhân gắn bó lâu dài, nỗ lực cống hiến cho doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cũng phải không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Để giai cấp công nhân tiến nhanh, tiến mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới hiện nay, không chỉ có doanh nghiệp, sự thôi thúc trong chính giai cấp công nhân, mà còn đòi hỏi Nhà nước phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, những vấn đề còn tồn tại, bất cập để đời sống của công nhân được cải thiện hơn nữa, từ đó tạo động lực cho giai cấp công nhân lớn mạnh không ngừng về mọi mặt.  

THIÊN LÊ


 

.
.
.