Thứ Hai, 12/09/2022, 12:51 (GMT+7)
.
Góc nhìn giáo dục

Giáo dục học sinh lòng biết ơn

Từ trường trở về nhà sau lễ khai giảng, cháu tôi chạy ào tới ôm chầm lấy mẹ. Lần đầu tiên ở lứa tuổi “nổi loạn”, cháu thể hiện sự yêu thương, đầy lòng biết ơn với cha mẹ như vậy. Còn chị tôi, cả buổi chiều hôm ấy cứ tủm tỉm cười.

Hỏi chuyện cháu mới kể: “Con bất ngờ quá khi con và các bạn trong lớp, ai cũng nhận được thư do bố mẹ viết. Đọc thư của mẹ, con đã khóc. Lá thư giúp con hiểu lòng bố mẹ hơn và thấy mình không cô đơn trên con đường phía trước. Con có thêm nhiều động lực để thực hiện ước mơ thi vào ngôi trường con yêu thích. Đây có lẽ là ngày khai giảng nhiều cảm xúc nhất từ trước đến nay”.

Năm học này, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học và THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) cũng có một lễ khai giảng đầy xúc động với các hoạt động kết nối yêu thương, như con và cha mẹ rửa chân cho nhau, tiệc trà biết ơn, tọa đàm biết ơn... Nhà trường đã đưa chủ đề lòng biết ơn vào từng hoạt động, cũng như trong suốt quá trình học tập của các em. Từ những hành động nhỏ như vậy sẽ gieo những hạt mầm của lòng biết ơn, nuôi dưỡng đạo đức trong mỗi con người, giúp các em trân trọng những gì đang có.

Cô và trò trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.
Cô và trò trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Trong lịch sử, nền tảng giáo dục truyền thống của người Việt Nam chính là lòng biết ơn. Đây chính là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác của con người. Bởi vậy, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” luôn được răn dạy, để hình thành một giá trị sống nhân văn, ứng xử có văn hóa. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống, trẻ em ngày nay thường chiếm vị trí trung tâm, được yêu thương, chiều chuộng, muốn gì được nấy. Thậm chí con cái còn được coi là “ông vua con” trong gia đình. Lâu dần, nhiều trẻ hình thành lối sống ích kỷ, chỉ biết yêu cầu, nhận lấy mà không biết hồi báo, càng không biết quan tâm và biết ơn người khác. Hệ lụy sẽ hình thành một lớp trẻ sống vô cảm, dửng dưng và thiếu trách nhiệm.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn những gì tốt nhất cho con mình. Nhà trường nào cũng muốn dạy những điều tốt đẹp nhất cho học sinh. Tuy nhiên, cái tốt nhất đó không nên thiên về hướng đáp ứng tất cả những gì trẻ muốn, chỉ dạy chữ mà không rèn người... mà nên cho trẻ được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao và bồi dưỡng các em thành những người có phẩm chất ưu tú. Trao cho các em cơ hội lắng mình lại, cảm nhận được những giá trị về lòng biết ơn, từ đó cố gắng học tập, biết sống yêu thương và có trái tim nhân hậu.

Biết ơn giúp chúng ta vững bước hơn trong cuộc sống, nhân lên giá trị làm người, hướng tới một cuộc sống hạnh phúc; đồng thời bớt đi những vấp ngã, lạc lối... Giáo dục lòng biết ơn là một hình thức giáo dục sâu sắc về hình thành, bồi dưỡng nhân cách tốt đẹp cho học sinh. Có thể thấy, mục tiêu năm học mà ngành giáo dục đang tiếp tục hướng tới không chỉ là nỗ lực đạt những thành tích học tập, mà hơn hết giúp các em vận dụng kiến thức thành hành động, vận dụng từ trường đến gia đình  và lan tỏa ra xã hội.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.