Thứ Bảy, 17/09/2022, 21:44 (GMT+7)
.

Mến khách, trọng đối tác

(ABO)- Mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh, thành trong cả nước là phương châm luôn được Tiền Giang xác định xuyên suốt.

Đó cũng là một trong những phương châm quan trọng để Tiền Giang thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhìn vào thực tiễn mới thấy rằng, Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho tham gia Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005. Tiền Giang cũng đã tham gia hợp tác, liên kết với 2 tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng Duyên hải ĐBSCL.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trải dài trên bờ Bắc sông Tiền với chiều dài trên 120 km, cách trung tâm lớn nhất của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là TP. Hồ Chí Minh khoảng 70 km và vùng ĐBSCL là TP. Cần Thơ khoảng 100 km, đây được xem là khoảng cách có nhiều thuận lợi để kết nối giữa vùng nguyên liệu, sản xuất, thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.

Hạ tầng giao thông được đầu tư là tiền đề quan trọng để Tiền Giang vươn lên.
Hạ tầng giao thông được đầu tư là tiền đề quan trọng để Tiền Giang vươn lên.

Từ những lợi thế hiện hữu, khi Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị được triển khai thực hiện là tiền đề quan trọng để các tỉnh, thành trong vùng nói chung, Tiền Giang nói riêng tranh thủ nắm bắt. Từ cơ hội này, để thích ứng với xu thế chung và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tiền Giang cũng đã và đang hướng đến nhiều mục tiêu quan trọng.

Một trong những nội dung quan trọng cho tầm nhìn năm 2030, được Tỉnh ủy Tiền Giang xác định là tạo nền tảng tăng trưởng xanh và một số đột phá trong những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục thu hút đầu tư chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo nhưng tăng mức độ công nghệ, hiệu quả và tự động hóa.

Bên cạnh đó, Tiền Giang cũng đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá dựa trên việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên biển và trên đất liền ở huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông kết hợp với du lịch và ổn định, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên; hoàn thiện các dự án đô thị hướng biển nhằm phục hồi diện tích khi chưa bị sạt lở, xâm thực.

Tiền Giang cũng hướng đến mục tiêu chuyển dịch dần từ định hướng tập trung chuyên canh để xuất khẩu sang phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, kết hợp với công nghệ thông tin, thương mại điện tử; là trung tâm xuất khẩu nông sản của vùng ĐBSCL dựa trên việc xây dựng cầu nối bền vững và chuyên nghiệp với các thị trường xuất khẩu; hướng tới tiềm năng phát triển những vùng nông thôn thành các vùng bất động sản du lịch sinh thái và các vùng đô thị sinh thái quan trọng cấp vùng sau này.

Kinh tế sông cũng là một lợi thế quan trọng của Tiền Giang.
Kinh tế sông cũng là một lợi thế quan trọng của Tiền Giang.

Một trong những nội dung quan trọng nữa là Tiền Giang sẽ tập trung phát triển giao thông tuyến ven biển và ven sông Tiền kết nối về huyện Tân Phước, kết nối từ các tuyến chính như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận ra biển, ra sông Tiền; tập trung phát triển tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường tỉnh 864 ven sông Tiền, tăng cường kết nối từ các nút giao cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, Quốc lộ 1A với các khu công nghiệp ở huyện Tân Phước, với sông Tiền.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng tính toán hình thành các trục song hành với Quốc lộ 50 kết nối TP. Mỹ Tho với khu vực biển Gò Công Đông. Chưa kể, Tiền Giang còn hướng đến mục tiêu phát triển Tiền Giang là một vùng du lịch lớn cấp quốc gia; đặc biệt chú trọng việc phát triển bất động sản xanh, bất động sản du lịch xung quanh 3 trung tâm du lịch chính…

Để tận dụng và khai thác hiệu quả các lợi thế, những năm qua Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Với những bước đi hiệu quả, Tiền Giang sẽ từng bước hiện thực hóa các nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị và hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2005.

TA

.
.
.