Thứ Năm, 08/11/2012, 08:44 (GMT+7)
.

Chỉ ra khuyết tật để cùng nhau giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Các trường có thể tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt. Giáo viên phải dành thời gian trong các buổi sinh hoạt chuyên môn để sửa lỗi phát âm cho nhau, hướng dẫn học sinh luyện tập sửa ngọng, viết đúng tiếng Việt.

Đó là những giải pháp cơ bản được các chuyên gia giáo dục, thầy cô nêu ra tại Hội thảo khoa học “Biện pháp giáo dục học sinh nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt trong trường phổ thông” do Hội Khoa học tâm lý và giáo dục Tiền Giang phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Cai Lậy vừa tổ chức.

Theo Báo cáo của Phòng GD&ĐT Cai Lậy, qua khảo sát tại 25/40 trường tiểu học trong huyện có 1.419 em nói sai, 874 em viết sai âm R/G; 1.320 em nói sai, 653 em viết sai âm T/Tr... Trong khi đó, ở 29/29 trường THCS, số học sinh nói sai, viết sai các âm trên lại cao hơn.

Cụ thể, âm R/G nói sai 2.160 em, viết sai 971 em; âm T/Tr nói sai 2.041 em, viết sai 1.448 em. Ngoài ra, còn không ít học sinh nói sai, nói ngọng, viết chữ chưa đúng mẫu các chữ cái. Bên cạnh đó, việc viết sai chính tả của học sinh ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Qua khảo sát của thầy Võ Văn Sơn (Trường Đại học Tiền Giang) ở 200 học sinh của các trường THCS Bảo Định, Xuân Diệu và trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) thì “Phần đông học sinh thỉnh thoảng, thường xuyên và rất thường xuyên mắc các lỗi về chính tả (64,5%). Đây là mức độ khá phổ biến, chưa kể những trường hợp các em đã nhận ra”.

Ở một góc độ khác, lớp trẻ, đặc biệt là giới tuổi teen và cư dân mạng Internet hiện nay đang sử dụng tiếng Việt một cách vô lối, cẩu thả, thậm chí tối nghĩa và khó hiểu, đã và đang xâm hại nghiêm trọng đến sự trong sáng và vẻ đẹp được kết tinh từ bao đời nay của tiếng Việt.

Chỉ cần lướt vào một số diễn đàn của giới trẻ, chúng ta sẽ cảm thấy lạc lỏng và như sa vào “ma trận ngôn ngữ khó hiểu” của các em. Thầy Nguyễn Thành Liêm (Khoa Sư phạm - Trường Đại học Tiền Giang) đã dẫn ra hàng loạt dẫn chứng như: “thía” thay cho “thế”, “hok” thay cho “không”, bít - biết, lèm - làm, j - gì, kug - cũng…

Hầu hết các em dùng ký hiệu tràn lan, “Tây - Ta” lẫn lộn khiến cả các nhà ngôn ngữ học cũng phải “bó tay”. Việc nói ngọng ký tự l, n do tính chất phương ngữ, thói quen của các vùng miền, trong nhà trường và cộng đồng đều không chú ý đến việc phát âm, viết sai và không có ý thức sửa sai.

Theo cô Trương Thị Châu Minh (giáo viên Trường THPT tư thục Ấp Bắc - Mỹ Tho) có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói sai tiếng Việt, viết chữ cẩu thả, dùng từ tùy tiện đó là:

- Khả năng vận dụng tiếng mẹ đẻ của học sinh vốn yếu kém, lại thêm tính lười biếng, ít dành thời gian cho việc học.

- Thầy cô ngay từ bậc tiểu học đã thiếu quan tâm trong giáo dục.

- Chất lượng yếu kém của việc dạy, học Văn và tiếng Việt từ bậc phổ thông, mà chủ yếu là lỗi phát âm của nhiều giáo viên;

- Các em học sinh bị cuốn hút vào Internet với các trò chơi điện tử, các hình thức giải trí trực tuyến;

- Ý chí học tập của học sinh chưa cao, chưa có quyết tâm và ý chí tiến thủ, nhất là không nhận được sự quan tâm đúng mức của gia đình.

Nhà giáo Ưu tú - Tiến sĩ Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ: “Hiện nay, khá nhiều học sinh thường viết sai chính tả, nhất là lỗi dấu thanh, lỗi phụ âm đầu, phụ âm cuối. Giáo viên vẫn còn lúng túng trước thực trạng này nên suốt thời gian dài vẫn chưa khắc phục tốt. Hậu quả là học sinh lên đến bậc trung học, thậm chí học cao đẳng, đại học vẫn còn viết sai chính tả, nhất là lỗi phụ âm đầu và phụ âm cuối. Nguyên nhân là do phương pháp dạy học chưa sát, giáo viên chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc khắc phục lỗi chính tả cho học sinh…”.

Thực tế cũng cho thấy, chỉ có giáo viên Ngữ văn mới sửa lỗi phát âm, chính tả cho học sinh. Các môn học khác hầu như giáo viên bỏ qua, thậm chí chỉ yêu cầu học sinh tính toán đúng, viết đúng ý. Ngoài ra, một yếu tố cũng khá quan trọng tác động đến cách phát âm do ảnh hưởng cách phát âm theo phương ngữ Nam bộ các phụ âm đầu như tr thành ch, r thành g hay v, gi thành d…

Trong không khí cởi mở, các đại biểu đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, đề xuất nhiều biện pháp để giúp học sinh nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Hưng (Trường THCS Nguyễn Tuấn Việt - Cai Lậy): “Thầy cô giáo trong nhà trường cần sửa lỗi chính tả cho học sinh một cách nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao. Biểu dương học sinh luôn viết đúng, viết tốt, không sai chính tả; đồng thời nhắc nhở học sinh thường xuyên trau dồi chữ viết của mình”.

Song song với việc sửa lỗi chính tả thì việc giúp các em không “nói ngọng”, “nói đớt” cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi và thống nhất việc “chữa ngọng” được xem là nhiệm vụ của giáo viên.

Trường THCS Mai Thị Út (Cai Lậy) có biện pháp giúp học sinh kiên trì rèn luyện, tập nói nhiều lần, khuyến khích học sinh phát hiện âm sai và điều chỉnh lẫn nhau. Khi học sinh đã nhận thức được sự “thiệt thòi” của việc nói và viết ngọng thì các em sẽ tự rèn cho mình thói quen “nói chuẩn”.

Bên cạnh đó, việc rèn luyện cho các em nói đúng tiếng Việt, viết đúng chữ Việt không chỉ dừng lại ở nhà trường mà còn có sự hỗ trợ tích cực từ phía gia đình, các tổ chức đoàn thể trong xã hội.

Đại diện Trường Tiểu học Tam Bình 1 gợi ý: “Giáo viên định hướng cho phụ huynh thấy rõ tầm quan trọng của việc rèn nói đúng - viết đúng tiến tới nói đẹp - viết đẹp tiếng Việt trong nhà trường, thường xuyên tạo điều kiện để con em mình viết - nói ngày càng đúng, đẹp và hoàn hảo”.

Dưới góc độ quản lý chuyên môn, thầy Nguyễn Thanh Hải (cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Cái Bè) chia sẻ kinh nghiệm: “Trong hội nghị công nhân viên chức của từng nhà trường, từ lãnh đạo, giáo viên đến các bộ phận liên quan đến hoạt động rèn học sinh viết đúng - viết đẹp tiếng Việt đều ký cam kết đăng ký chỉ tiêu thi đua cho hoạt động này. Các trường có thể tổ chức các hình thức sinh động để tạo môi trường phát âm, viết chuẩn tiếng Việt".

Riêng với Cai Lậy, thầy Phạm Văn Hiên (cán bộ Phòng GD&ĐT) cho biết: “Trong năm học 2012 - 2013, thực hiện phong trào rèn luyện nói đúng, viết đúng chính tả cho học sinh tiểu học và THCS, trước mắt giúp học sinh phân biệt, nói đúng phụ âm đầu R (với G), T (phân biệt với Tr) và viết đúng cùng 2 cặp phụ âm đầu trên. Từ đó Phòng GD&ĐT huyện sẽ thống kê, rút kinh nghiệm và có sẽ hướng chỉ đạo nói đúng, viết đúng cho năm sau”.

Tăng cường giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường, chú trọng về thực hành để con em chúng ta nói đúng, viết đúng tiếng Việt, bảo vệ tiếng Việt đi đôi với phát triển tiếng Việt, đưa vào tiếng Việt những nhân tố mới làm cho tiếng Việt đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao tiếp trong thời hội nhập còn nhiều vấn đề phải bàn và cũng còn nhiều câu chuyện xung quanh chuyện nói và viết đúng tiếng Việt mà Phòng GD&ĐT huyện Cai Lậy đang triển khai mang ý nghĩa xã hội to lớn, hứa hẹn mang lại những kết quả tốt đẹp, góp phần làm trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt.

LÊ QUANG HUY

.
.
.