Thứ Hai, 21/01/2013, 13:00 (GMT+7)
.

Vạch đường cho tuổi trăng tròn “chạy đúng hướng”

Sự phát triển của thanh niên là một trong những mối quan tâm tất yếu của mọi quốc gia. Sự quan tâm này đặc biệt có ý nghĩa trong thời kỳ có những biến động về kinh tế - xã hội như đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.

Tư vấn, giáo dục giới tính là hoạt động cần thiết đối với học sinh.
Tư vấn, giáo dục giới tính là hoạt động cần thiết đối với học sinh.

Ở Việt Nam hiện nay có khoảng 20% dân số trong độ tuổi vị thành niên (VTN). Đây là thời kỳ quá độ từ trẻ con trở thành người lớn và là những năm tháng có nhiều sự biến đổi cả về sinh lý, tâm lý và hành vi với những biểu hiện rõ rệt. Đối với nước ta, đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH nên có nhiều vấn đề về môi trường, văn hoá - xã hội tác động đến VTN.

Dễ thấy là, ngày càng nhiều thanh thiếu niên được tiếp cận với các thông điệp truyền thông làm tăng kỳ vọng về một mức sống cao hơn. Mong muốn được nâng cao về trình độ học vấn, có bằng cấp nghề nghiệp và cùng với xu hướng tăng nhu cầu về vật chất. Thanh niên (TN) ngày nay kỳ vọng nhiều hơn so với TN thế hệ trước đây.

Từ những yếu tố trên đã làm cho TN trẻ Việt Nam nói chung và TN trẻ Tiền Giang nói riêng trì hoãn kết hôn và lập gia đình. Đây là những thách thức mới mà VTN/ TN trẻ ngày nay phải đối mặt trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS) mà nguyên nhân quan trọng là do sự thiếu hiểu biết trong lĩnh vực này. Từ đó gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:

- Quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân: Hầu hết QHTD xảy ra ở những người cùng lứa tuổi nên đa số đều nhận được những thông tin sai lệch từ bạn bè hay các phương tiện tránh thai dẫn đến QHTD không bảo vệ. Trong các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng QHTD trước hôn nhân đang tăng nhưng sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) ở TN chưa kết hôn vẫn rất thấp.

- Có thai ngoài ý muốn: Khoảng 1/5 phụ nữ trẻ sinh con trước tuổi 19 và có nhiều nguy cơ tai biến nguy hiểm về sức khoẻ hơn so với phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ (20-34). Tỷ lệ mang thai và sinh đẻ sớm phổ biến nhiều hơn ở nông thôn so với thành thị.

- Tình trạng nạo phá thai có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế: “Mỗi năm ở Việt Nam số trường hợp nạo phá thai ở VTN tăng lên đáng kể, chiếm khoảng 1/5 tổng số các trường hợp”. Nạo phá thai không an toàn đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm đối với cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của VTN. Nạo phá thai không an toàn thường dẫn đến những hậu quả có hại cho sức khoẻ phụ nữ như: chảy máu, thủng tử cung, viêm nhiễm hoặc những biến chứng lâu dài như thai ngoài tử cung, thậm chí vô sinh và tử vong.

- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD), HIV/AIDS đang ở mức báo động: do QHTD không được bảo vệ đang có xu hướng gia tăng nên mức độ thịnh hành các bệnh LTQĐTD cũng đang tăng, có khoảng 50%  người nhiễm HIV ở lứa tuổi VTN.

- Hiểu biết và thái độ của VTN đối với SKSS, đặc biệt là VTN/TN ở nông thôn ít được tiếp cận thông tin về SKSS. Vì thế họ ít có kiến thức và hiểu biết về các vấn đề quan trọng như tình dục, tránh thai và tình dục an toàn.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề giáo dục giới tính, giáo dục sức khoẻ tình dục và sinh sản cho VTN/TN, trong những năm qua các vấn đề VTN được quan tâm hơn và được đưa vào nhiều chương trình và đặc biệt là được nhiều người hưởng ứng như Đoàn TN (một tổ chức lớn nhất của TN) phối hợp với UNFPA, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và địa phương.

Việc thành lập các Trung tâm tư vấn (như Trung tâm tư vấn dịch vụ DS-KHHGĐ của Chi cục DS-KHHGĐ), Phòng tư vấn cho VTN của Trung tâm CSSKSS, góc thân thiện cho VTN ở các trường THPT, trạm y tế xã... đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao kiến thức về SKSS cho VTN/TN.

Riêng Trung tâm tư vấn DVDS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang trong 5 năm gần đây đã kết hợp với ban giám hiệu, bí thư chi đoàn các trường THPT, trường THCS trong tỉnh tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về SKSS như sự thay đổi của tuổi dậy thì, tình bạn, tình yêu, mang thai và sinh đẻ, sức khoẻ tình dục và tình dục an toàn.

Hình thức thực hiện là cho học sinh xem băng đĩa, thảo luận, giải đáp thắc mắc và giao lưu với các nhà chuyên môn. Đối tượng tham dự là học sinh khối 9, 10-12.Tổng số cuộc thực hiện là 225 cuộc tư vấn với hơn 9.000VTN tham dự. Song song đó, trung tâm còn kết hợp với Đề án Chăm sóc sức khoẻ Tiền hôn nhân trong năm 2010-2011 tư vấn cho đối tượng VTN/TN trẻ ngoài trường học 36 cuộc với hơn 1.400 lượt người tham dự.

Sau một thời gian được sự quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp và  theo kết quả điều tra cuối kỳ về cung cấp dịch vụ & CSSKSS giai đoạn 2003-2010, kiến thức về CSSKSS của VTN/TN được cải thiện rõ rệt, chỉ còn hơn 1/3 VTN/TN không biết về SKSS. Đây là một bước chuyển biến vô cùng quan trọng trong chương trình giáo dục DS của tỉnh nhà.

Vì vậy, có thể nói việc giáo dục cho thanh thiếu niên về SKSS và SKTD là việc làm cần thiết, đúng là “vạch đường cho hươu chạy” nhưng để các em chạy đúng đường, đúng hướng chứ không chạy “lung tung” đến những nơi cạm bẫy xấu xa trong xã hội và tránh được những hậu quả đáng tiếc cho tương lai sau này. Do đó, người lớn chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để giúp cho thế hệ con em, những người chủ tương lai của đất nước trở thành những con người có đầy đủ sức khoẻ và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi.

BS. NGUYỄN THỊ TUYẾT VÂN

.
.
.