Thứ Tư, 17/06/2015, 09:01 (GMT+7)
.

Chuyện nghịch lý về hệ số K

Cuối năm học, lãnh đạo, giáo viên các trường trung học nếu có dịp gặp nhau thường hỏi thăm nhau về tiền thu nhập tăng thêm được bao nhiêu (tiền thu nhập tăng thêm là tiền nhà trường tiết kiệm được từ mức khoán theo Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ, cuối năm học chia cho giáo viên của trường, có khi chia theo hệ số thu nhập tăng thêm - gọi là hệ số K).

Có trường, giáo viên hoan hỉ với số tiền được chia lên đến 6 - 7 triệu đồng mỗi người, nhưng cũng có trường giáo viên chỉ cười buồn khi được hỏi “hệ số K có khá không?”. Xung quanh vấn đề tiền thu nhập tăng thêm này, xin có vài suy nghĩ nhỏ.

Việc khoán ngân sách cho các đơn vị hành chính sự nghiệp như các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo là một chủ trương đúng đắn, giúp các đơn vị chủ động hơn trong việc cân đối nguồn thu - chi và có trách nhiệm hơn trong việc tiết kiệm công quỹ. Đối với cơ sở giáo dục, nguồn tiền tiết kiệm được theo Nghị định 43 thường là ở các mục như: Thanh toán dịch vụ công cộng (tiền điện, nước), vật tư văn phòng, tiền điện thoại, Internet, công tác phí, mua sắm, sửa chữa…

Tuy nhiên, hiện nay trong ngành GD-ĐT ở tỉnh ta có sự nghịch lý là: Hàng tháng, hàng quý các trường trung học, nhất là trung học phổ thông luôn đề nghị Sở GD-ĐT cung cấp trang thiết bị dạy học, nhất là máy tính, màn hình LCD. Cần nói rõ là những trường này đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị rồi, nhưng đã hư hỏng theo thời gian sử dụng.

Mặt khác, ngân sách của tỉnh dành cho giáo dục cũng có hạn, có những trường đã 3 năm học rồi mà vẫn chưa trang bị được phòng máy tính cho học sinh học môn Tin học thì lấy đâu tiền để trang bị một lượt cho các trường theo những đề nghị này.

Phần lớn các trường yêu cầu được tái cấp trang thiết bị dạy học, mỗi năm nhà trường tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng đem chia cho giáo viên, nhưng lại cứ đề nghị cấp trên chi tiền mua sắm trang thiết bị cho trường mình.

Thiết nghĩ, ngân sách Nhà nước rót xuống cho trường học là để phục vụ cho việc dạy và học, trong đó có mua sắm trang thiết bị dạy học. Không có lý do gì lãnh đạo trường lại “thắt lưng buộc bụng” không mua sắm những phương tiện thiết yếu để phục vụ công tác quan trọng này, mà lại dành tiền chia cho cán bộ, viên chức - những người đã được trả lương theo ngân sách.

Rất mong các cấp lãnh đạo ngành GD-ĐT quan tâm đến sự nghịch lý này.              

NGỌC KHUÊ

.
.
.