Câu chuyện thất nghiệp: Biết rồi, nói mãi, khổ lắm!
Bài 1: Câu chuyện thất nghiệp: Biết rồi, nói mãi, khổ lắm!
Bài 2: Khó khăn cho các trường nghề
Bài cuối: Cần quan tâm công tác hướng nghiệp và dạy nghề
Một mùa tuyển sinh nữa lại đến, nhiều học sinh đang đứng trước cánh cửa chọn lựa nghề nghiệp cho cuộc đời mình. Thực tế cho thấy, đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công, thế nhưng đa số học sinh vẫn cứ nuôi ước mơ vào đại học, trong khi tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường khá phổ biến. Vì lẽ đó, 2 câu hỏi đã được đặt ra: Học đại học hay học nghề để dễ tìm việc làm và công tác hướng nghiệp cho học sinh ra sao?
Do không tìm được việc làm theo ngành nghề đã được đào tạo, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường phải đi làm công nhân. Ảnh: Thu Hoài |
Vấn đề việc làm được coi là một trong những thách thức lớn đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường. Đã có không ít sinh viên đã tìm hướng đi mới cho mình bằng những công việc trái ngành nghề đào tạo, hoặc tiếp tục học văn bằng 2, học lên cao học để dễ tìm được việc làm...
RẢI HỒ SƠ
Trong khi chờ nhà trường cấp bằng tốt nghiệp chính thức, Nguyễn Lê Vy, sinh viên Trường Đại học Văn Hiến (TP. Hồ Chí Minh) tranh thủ về quê để tìm việc làm. Vy tâm sự: “Bây giờ xin việc khó lắm, nên buộc lòng phải rải cả chục hồ sơ xin việc, nơi nào gọi thì đến để được phỏng vấn, vậy mà vẫn chưa thấy nơi nào gọi...”.
Với Nguyễn Thế Kiệt, cử nhân ngành Ngữ văn, cũng lắm gian nan trên con đường tìm việc. Kiệt đã tốt nghiệp gần cả năm nay mà vẫn chưa xin được việc làm. Để lo cho Kiệt ăn học, gia đình đã vay mượn ngân hàng gần 100 triệu đồng. Sau khi tốt nghiệp, do không xin được việc làm, Kiệt không về quê, mà thuê nhà trọ ở TP. Mỹ Tho để tranh thủ xin việc làm. “Tốt nghiệp xong, em tranh thủ làm hơn chục hồ sơ gửi các Trung tâm Giới thiệu việc làm 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre... Có vài công ty gọi đến phỏng vấn, nơi nào cũng yêu cầu phải có 1 - 2 năm kinh nghiệm, trong khi em chưa đi làm ngày nào nên không được tuyển vào làm việc”.
“Hồi còn đi học, em cứ mong tốt nghiệp sớm để đi làm phụ giúp ba mẹ trả nợ. Thế nhưng, sau khi ra trường, con đường tìm việc sao gian nan quá. Em sẽ không bỏ cuộc, chờ ngày nộp hồ sơ dự tuyển công chức...” - Kiệt cho biết thêm.
Phạm Thị Diệu Hiền, cử nhân ngành Quản trị kinh doanh, cũng chưa tìm được việc làm. Diệu Hiền chia sẻ: “Ra trường xin việc khó quá. Vì lẽ đó, em và mấy người bạn quyết định học lên cao học để dễ xin được việc làm”.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang, trong năm 2016, có 10.963 người đăng ký thất nghiệp, trong đó có 3.270 người đăng ký thất nghiệp trong tỉnh và trong quý I-2017 có 1.363 người đăng ký thất nghiệp. Thực tế, số lượng người thất nghiệp nhiều hơn rất nhiều.
CHẤP NHẬN LÀM TRÁI NGHỀ
Thực tế, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp sẵn sàng nhận làm việc trái với ngành nghề được đào tạo để có thu nhập, trang trải cuộc sống.
Quá vất vả trên con đường tìm việc, Nguyễn Thế Kiệt đành xin vào làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành). Kiệt cho biết: “Ra trường hơn 1 năm mà vẫn chưa xin được việc làm. Được một vài người bạn tư vấn, em nộp hồ sơ vào làm công nhân để kiếm tiền lo cho cuộc sống. Hằng tháng, ăn uống nhín nhút, em gửi tiền về nhà phụ ba mẹ trả dần nợ ngân hàng. Em vẫn thường xuyên theo dõi thông tin từ nhà tuyển dụng để nộp hồ sơ, với hy vọng làm đúng chuyên ngành mà mình đam mê và được đào tạo”.
Với Nguyễn Lê Vy, dự định nếu không xin được việc làm ổn định, sẽ rủ vài người bạn thuê mặt bằng mở quán bán trà sữa và đồ ăn vặt, vì không muốn dựa dẫm mãi vào gia đình...
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, tình trạng sinh viên ra trường buộc phải làm trái với chuyên ngành đào tạo rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân quan trọng: Chất lượng đào tạo ở giảng đường đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng...
ĐỖ PHI
(Còn tiếp)