Thứ Ba, 21/08/2018, 09:20 (GMT+7)
.

Khai trường và những nỗi lo

Cứ vào mỗi đầu năm học mới là không ít gia đình, nhất là những gia đình nghèo lại bộn bề lo toan về học phí và các khoản chi phí sắm sửa quần áo, giày dép, tập, sách… cho con đến trường.

Bên cạnh đó, gần đây, gánh nặng đóng góp đầu năm cũng đang trở thành nỗi lo lắng thường trực của các bậc phụ huynh. Do đó, việc chia sẻ gánh nặng cùng phụ huynh cũng như giúp học sinh vượt qua khó khăn để đến trường và chống lạm thu ngay từ đầu năm là hết sức cần thiết.

Phụ huynh mua sắm dụng cụ học tập cho con em đầu năm học mới.
Phụ huynh mua sắm dụng cụ học tập cho con em đầu năm học mới.

BỘN BỀ LO TOAN

Để có tiền lo cho 4 đứa con vào năm học mới, chị Phạm Thị Kim Hoa, buôn bán trái cây ở chợ Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây) phải làm việc cật lực và tiết kiệm, dành dụm từ nhiều tháng nay. Ngoài buôn bán trái cây, chị Hoa còn làm thêm nhiều công việc khác như: Bán bảo hiểm xe, chạy xe ôm…

Chị Hoa cho biết: “Lo cho con ăn học vất vả nhất là các khoản chi phí đầu năm học mới. Chỉ mới bước vào đầu năm học mà gia đình tôi phải tốn số tiền hơn 12 triệu đồng lo các khoản chi phí cho 3 đứa con học đại học và 1 đứa đang học lớp 12”.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Lan (ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho), có 2 đứa con chỉ mới học lớp 6 và lớp 3 mà số tiền chị Lan chuẩn bị đóng học phí và mua sắm quần áo, giày dép, tập, sách… cũng đã tốn gần 10 triệu đồng. “Vợ chồng tôi làm công nhân, thu nhập không nhiều.

Mỗi tháng, gia đình chắt bóp, chi tiêu tiết kiệm mới đủ sống. Mấy tháng nay, vợ chồng tôi phải cố gắng tìm thêm việc để làm vào ban đêm và tiết kiệm lắm mới có đủ các khoản tiền trường cùng chi phí mua sắm cho các con trong năm học mới” - chị Lan chia sẻ.

Không chỉ lo toan về các khoản mua sắm đầu năm học mới, mà nhiều phụ huynh còn đang thấp thỏm lo âu trước những khoản thu “tự nguyện” của các trường.

Chị H.T.P. (ngụ phường 6, TP. Mỹ Tho) có 2 con gái đang học lớp 3 và lớp 5 tại một trường tiểu học khá nổi tiếng của TP. Mỹ Tho cho biết, mặc dù chưa đến kỳ họp phụ huynh đầu năm học nhưng chị đã phải đóng góp cho trường gần 2 triệu đồng.

“Làm công nhân, thu nhập ít ỏi nên khi nghe trường thông báo và nhiều phụ huynh khác bảo nhau phải đóng tiền cho con thì cũng phải rán đóng dù rất đắn đo không biết đóng góp cho khoản gì” - chị P. cho biết.

NỖ LỰC CHĂM LO HỌC SINH NGHÈO

Nhằm giảm bớt những khó khăn, vất vả cho phụ huynh, học sinh trong mùa tựu trường của năm học mới 2018 - 2019, nhiều địa phương và trường học đã tích cực vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ tiền mặt, quà, học bổng, quần áo, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… cho học sinh nghèo.

Bên cạnh đó, các đơn vị giáo dục cũng đã tiến hành rà soát, lập danh sách miễn giảm học phí cho học sinh là con của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Đồng Thị Bạch Tuyết cho biết, hằng năm, Hội Khuyến học các cấp của tỉnh đều đề nghị các trường trên địa bàn rà soát hoàn cảnh khó khăn của học sinh để có kế hoạch vận động, hỗ trợ các em trong năm học mới.

Bên cạnh đó, công tác vận động các nhà hảo tâm, giúp đỡ cho các em học sinh nghèo là việc làm thường xuyên của Hội. Ngay trong tháng 8-2018, Hội đã phối hợp với Đài PT-TH Vĩnh Long vận động Công ty ADC phát học bổng “Thắp sáng niềm tin” cho 2 học sinh đặc biệt khó khăn và trao 20 suất học bổng cho học sinh vượt khó, học tốt tại 2 huyện: Gò Công Đông và Cái Bè, với số tiền khoảng 170 triệu đồng.

Bên cạnh đó, năm học 2018 - 2019, Chương trình học bổng ADAPT do tổ chức “Vòng tay Thái bình” tài trợ cho học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn của 12 trường thuộc các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây và Tân Phước, với số tiền trên 400 triệu đồng…

Năm 2018 là năm thứ VI, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cùng Hội Khuyến học tỉnh phối hợp tổ chức Chương trình “Tiếp sức trẻ khuyết tật, mồ côi đến trường” nhằm chung tay giúp đỡ cho các em học sinh kém may mắn được đến trường. Năm học 2018 - 2019, sẽ có 276 học sinh khuyết tật, mồ côi của các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh được nhận học bổng, với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.

Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Đoàn Thị Hồng Châu cho biết: “Thời gian qua, Hội thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để trao học bổng, hỗ trợ, giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, để các em an tâm đến trường”.

KIÊN QUYẾT CHỐNG LẠM THU

Trong nhiều năm qua, vấn nạn lạm thu đã trở thành câu chuyện gây nhiều tranh cãi trong ngành Giáo dục. Cứ mỗi đầu năm học là dư luận lại bàn tán về những biến tướng của vấn nạn lạm thu trong các trường học dưới hình thức các khoản thu “tự nguyện”.

Để khắc phục tình trạng lạm thu, ngay trong chỉ thị đầu năm học mới và các văn bản khác, Bộ GD-ĐT đều có văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở các địa phương thực hiện thu, chi tại các cơ sở giáo dục phải theo đúng quy định, tránh tình trạng lạm thu gây khó khăn cho phụ huynh và học sinh.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục xảy ra tình trạng lạm thu.

Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hồng Oanh cho biết, vấn đề lạm thu trong trường học thì năm nào cũng bàn đến. Thế nhưng, tình trạng này hiện nay vẫn còn. Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ có cuộc họp với hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT để tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục triệt để tình trạng lạm thu trong các trường học.

ĐỖ PHI

.
.
.