Thứ Năm, 23/05/2019, 16:40 (GMT+7)
.

Tấm lòng của cô giáo Phương

Ngoài giờ lên lớp, hễ nghe ở đâu có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là cô Nguyễn Mỹ Phương, giáo viên Trường THPT Tứ Kiệt (TX. Cai Lậy) lại tất tả xoắn tay áo tìm đến tận nơi để hỗ trợ. Hơn 20 năm qua, không quản nhọc nhằn, bằng cả trái tim và lòng nhân ái, cô Phương đã giúp đỡ hàng trăm học sinh có hoàn cảnh khó khăn và rất nhiều trường hợp ốm đau, bệnh tật, gia đình nghèo khó…

Cô Phương không chỉ giỏi nghề, mà còn tích cực làm việc thiện nguyện, nhất là giúp đỡ cho học sinh nghèo.
Cô Phương không chỉ giỏi nghề, mà còn tích cực làm việc thiện nguyện, nhất là giúp đỡ cho học sinh nghèo.

Cô Phương cho biết, không biết tự bao giờ mà “máu” làm từ thiện lại cứ chảy trong người mình. Cô luôn bị ám ảnh về hình ảnh của những học trò nghèo, khao khát được đến trường hay đó là những hoàn cảnh khó khăn, trường hợp bệnh tật, ốm đau không có tiền chữa trị… cần sự giúp đỡ. Nỗi ám ảnh này đã trở thành cái duyên, cái nghiệp để một người làm nghề dạy học như cô Phương phải gắn bó với việc làm thiện nguyện hơn 20 năm qua. 

Năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, cô Phương về công tác tại Trường THPT Tứ Kiệt. Cô Phương nhớ lại: “Hồi ấy, đa số học trò ở đây có cuộc sống rất cơ cực. Dù lương giáo viên thời đó không nhiều nhưng hễ nghe đứa học trò nghèo nào mà có ý chí ham học là tôi vận động, kêu gọi hỗ trợ, thậm chí là trích phần lương của mình cho học trò. Bởi, tôi sẽ rất buồn nếu học trò của mình phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn.

Cứ thế, tôi đã bén duyên với việc làm thiện nguyện lúc nào không hay”. Để có thêm nguồn kinh phí và giúp đỡ ngày càng nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô Phương cùng nhóm bạn thời đại học của mình lập ra nhóm thiện nguyện với tên gọi Nhóm Văn K20.

Tiếng lành đồn xa, nghĩa cử cao đẹp của cô Phương được nhiều người biết đến. Mỗi khi trong trường hay ngoài xã hội có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là mặc nhiên người ta sẽ lại nhớ và tìm đến cô Phương. Với hơn 20 năm làm thiện nguyện, cô Phương đã giúp đỡ hàng trăm hoàn cảnh khó khăn.

Cô Phương vẫn không kìm được nước mắt khi kể về nghị lực vượt khó của em Trương Thị Hiền, một cựu học sinh của Trường THPT Tứ Kiệt đã từng được cô giúp đỡ. Trong một lần đi phát quà từ thiện, cô Phương tình cờ biết đến Hiền (đang là học sinh lớp 7) học rất giỏi nhưng có gia cảnh rất khó khăn.

Do đó, cô Phương đã vận động nhà hảo tâm và tìm nguồn học bổng hỗ trợ cho em trong suốt những năm học cấp 2. Đến năm học cấp 3, cơ duyên hai cô trò lại gặp nhau, khi Hiền vào học tại Trường THPT Tứ Kiệt.

Tuy nhiên, vào thời điểm này, Hiền có nguy cơ phải bỏ học, bởi cuộc sống gia đình em rất khó khăn. Quyết tâm không để một học sinh giỏi, ham học như Hiền phải bỏ học, cô Phương lại tìm nguồn vận động để hỗ trợ em trong suốt những năm học THPT và cả năm đầu theo học ngành Du lịch của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. “Tôi rất vui, khi đã giúp Hiền theo đuổi ước mơ học tập của mình” - cô Phương chia sẻ.

Cô Phương vẫn còn nhớ như in và cảm thấy dằn vặt với trường hợp của cô học trò cũ Nguyễn Thị Kim Xuyến. Cô kể, vào năm 2003, Xuyến là học sinh lớp 11 của Trường THPT Tứ Kiệt. Nhà nghèo, Xuyến lại mang trong mình căn bệnh u não. Em chỉ mơ ước có được căn nhà che nắng, che mưa cho gia đình.

Vậy là cô Phương lại xoắn tay áo đi vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ xây dựng cho Xuyến căn nhà. Căn nhà cất xong chưa được bao lâu, Xuyến đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Mặc dù đã chung tay thực hiện ước nguyện cuối cùng của Xuyến nhưng cô Phương luôn cảm thấy tiếc thương cho cô học trò vắn số…

Đặc biệt có một trường hợp mà đến giờ cô Phương vẫn còn canh cánh trong lòng và vô cùng xúc động. Đó là hoàn cảnh của cô chú Mười (hàng xóm trước đây của cô Phương ở xã Nhị Quý) bị bệnh tâm thần nhưng có con trai học giỏi được cô Phương giúp đỡ và hiện tại đang là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ.

“Lúc dời nhà về nơi ở khác, hai vợ chồng tôi đi trong im lặng, để cho cô chú Mười không biết. Ấy vậy mà khi biết được chỗ ở mới của vợ chồng tôi, cô chú Mười đạp xe hơn chục cây số đến tận nơi chỉ để biếu mớ trái cây, mớ rau để tỏ lòng biết ơn, khiến tôi xúc động đến rơi nước mắt. Tôi cảm động không chỉ là tình hàng xóm láng giềng quý mến nhau, mà hơn hết đó là tình người thật lớn lao và đáng trân quý” - cô Phương xúc động kể.

Qua 20 năm làm thiện nguyện, cô Phương không thể nhớ nỗi là mình đã giúp đỡ bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn. Mỗi cảnh đời, mỗi số phận khác nhau nhưng đọng lại đằng sau những việc làm nghĩa tình ấy, điều mà cô mong muốn nhất là họ sẽ thay đổi số phận, cuộc sống bớt vất vả, nhọc nhằn hơn. Với cô Phương cuộc sống cho đi là điều hạnh phúc và không nhận lại bất cứ điều gì cho riêng mình.

Bởi có nhiều học trò trước đây được cô giúp đỡ, nay đã thành đạt quay về “trả ơn” nhưng cô luôn từ chối và chỉ gợi ý cho các học trò cũ của mình hãy chung tay hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn.

Cô Phương cho biết, trên bước đường làm thiện nguyện, cô cảm thấy rất vui, vì không chỉ giúp nhiều hoàn cảnh vượt qua khốn khó, mà còn luôn nhận được sự ủng hộ, cảm thông, chỉa sẻ, đồng hành từ chính người chồng của mình. Bên cạnh đó, cô cũng thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại khi có gia đình hạnh phúc, được cống hiến cho ngành Giáo dục và được làm công việc thiện nguyện.

Nói về cô Phương, thầy Phạm Văn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Tứ Kiệt cho biết, cô Phương không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn có tấm lòng hết mình vì mọi người. Cô tích cực tham gia Hội Khuyến học của trường, vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Thật đáng quý khi trong môi trường giáo dục có một giáo viên vừa có tài, vừa có tâm như cô Phương.

Đ.PHI

.
.
.