Thứ Hai, 23/03/2020, 14:31 (GMT+7)
.

Chủ động, sáng tạo trong việc chọn sách giáo khoa lớp 1

Thời điểm hiện tại, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đang bước vào những công đoạn cuối cùng. Trong đó, theo đánh giá của các chuyên gia, việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) là công việc vô cùng quan trọng. Điểm mới của việc đổi mới SGK lần này là các trường sẽ tự chủ động chọn cho mình bộ SGK phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Việc chọn được bộ SGK được xem là cơ hội cũng như trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là vai trò của đội ngũ giáo viên.

Các đơn vị trường học cần nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định chọn bộ SGK.
Các đơn vị trường học cần nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định chọn bộ SGK.

CÔNG VIỆC HỆ TRỌNG

Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới lần này có ý nghĩa rất quan trọng, nhận được sự đồng tình cao từ dư luận xã hội. Lần đổi mới này không phải là đổi mới chương trình, mà chính là đổi mới về phương pháp, năng lực của giáo viên. Chính vì vậy, chủ trương của Bộ GD-ĐT về một chương trình với nhiều bộ SGK là phù hợp với thực tiễn, phù hợp với quá trình đổi mới.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Trần Văn Dũng cho biết thêm, thiết thực chuẩn bị cho năm học mới sắp đến, các cơ sở giáo dục cần tích cực tuyên truyền đến người dân về những điểm mới, điểm tích cực mà chương trình giáo dục mới lần này mang lại. Một điều cần lưu ý đó là, phụ huynh cần bình tĩnh, tự tin, không nên dạy trước chữ, số cho trẻ, cũng như không nên mua SGK trước, tất cả phải chờ vào thông báo của các cơ sở giáo dục.  
 

Sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về 5 bộ SGK (4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục và 1 bộ của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm) với 32 đầu sách. Ngay sau khi có sách, các trường đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu Thông tư của Bộ GD-ĐT về chọn SGK.

Ngay sau Tết Nguyên đán, dưới sự hướng dẫn của Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT, các trường đã bắt đầu nghiên cứu, đọc 5 bộ SGK: “Cùng học để phát triển năng lực”, “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Cánh diều”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và “Chân trời sáng tạo”. Hội đồng lựa chọn sách của các trường được thành lập, gồm các thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục, đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh.

Theo đánh giá bước đầu của Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) Trần Văn Dũng, việc nghiên cứu, tìm hiểu, nhận xét SGK đã được các trường thực hiện nghiêm túc, bài bản và trách nhiệm cao. Hiện tại, Sở GD-ĐT đã có những nhận xét bước đầu mà các trường đánh giá về các bộ SGK.

Qua quá trình tìm hiểu của tập thể giáo viên nhà trường, thầy Phan Minh Tân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, TP. Mỹ Tho nhận xét, bước đầu đánh giá khái quát các bộ SGK được trình bày rất bắt mắt, nhiều hình ảnh sinh động, nội dung chuẩn kiến thức, rõ ràng, mạch lạc. Một điểm đặc biệt của các bộ SGK mới này là các đơn vị kiến thức trong chương trình được kết nối với nhau, không rời rạc; các nội dung về trải nghiệm kiến thức rất được nhà viết sách quan tâm. Nhìn chung, các bộ SGK đảm bảo tính mở, linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh chủ động phát huy năng lực, sáng tạo của mình, là điều cốt lõi, khác so với chương trình hiện hành.

Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phù hợp với thực tiễn  và quá trình đổi mới.
Hy vọng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phù hợp với thực tiễn và quá trình đổi mới.

Tuy có nhiều thuận lợi như vậy, thế nhưng trong quá trình nghiên cứu, đánh giá các bộ SGK, nhiều giáo viên vẫn còn băn khoăn, đặt câu hỏi: Một chương trình mà nhiều bộ SGK có ảnh hưởng đến việc chuyển trường của học sinh trong quá trình học? Việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên giữa các cụm trường có bất lợi? Việc chọn SGK ở lớp 2 có nối tiếp chương trình lớp 1?…

TẤT CẢ ĐÃ SẴN SÀNG

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết, hiện tại, cùng với các địa phương khác, Tiền Giang đã sẵn sàng cho chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, việc chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên đã được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm. Trong năm học vừa qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng.

Về bậc học tiểu học, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở các huyện, thành, thị đạt trên 89%; trên 79% trường tiểu học có đầy đủ các phòng chức năng; 190/193 trường tiểu học tổ chức dạy học từ 6 buổi đến 10 buổi/tuần; 35/193 trường tổ chức bán trú cho học sinh và 133/189 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Về đội ngũ giáo viên, toàn ngành có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, trong đó có 18.529 giáo viên và 1.044 nhân viên. Ở bậc học tiểu học, có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 71,3%.

Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có trên 130 ngàn học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Mối quan tâm lớn nhất của phụ huynh tỉnh nhà là địa phương sẽ chọn SGK nào để học sinh được hưởng thụ những gì từ chương trình giáo dục này. Theo ngành GD-ĐT, việc lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh căn cứ vào 2 tiêu chí chính: Thứ nhất, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; thứ hai là, phù hợp với các điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Sơn 2 (huyện Gò Công Tây) Lê Thị Kim Hồng cho biết, ngay từ đầu năm học, giáo viên được chọn dạy lớp 1 theo chương trình đổi mới đã có sự chuẩn bị, nên về tâm lý lẫn kiến thức chuyên môn sẽ không bỡ ngỡ. Mặt khác, phòng học, thiết bị công nghệ phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã trang bị sẵn sàng…

ĐỖ PHI

.
.
Liên kết hữu ích
.