Thứ Năm, 30/04/2020, 09:27 (GMT+7)
.
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TIỀN GIANG:

Tiếp nối truyền thống gặt hái thành công

Sau 45 năm Ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang đã có những bước đổi mới tích cực, đáng tự hào. Từ hệ thống trường lớp được phát triển rộng khắp, khang trang đến chất lượng dạy và học không ngừng nâng cao. Hiện nay, toàn ngành đang nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngành GD-ĐT Tiền Giang sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới.
Ngành GD-ĐT Tiền Giang sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới.

45 NĂM TỰ HÀO

Theo tài liệu lịch sử giáo dục Tiền Giang ghi lại, những năm đầu sau giải phóng, nền giáo dục tỉnh nhà gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ chủ yếu đặt ra cho nền giáo dục lúc bấy giờ là xóa bỏ cơ cấu tổ chức, nội dung, chương trình sách giáo khoa của chế độ cũ; thực hiện xóa mù chữ, phát triển các ngành học, xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… Tất cả với nguyên lý “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội”.

Với tinh thần đồng lòng vượt khó, trong mỗi năm học, hàng loạt khẩu hiệu đã được đặt ra: “Phất cao cờ Ấp Bắc, quét sạch giặc dốt và đẩy mạnh bổ túc văn hóa”; “Phất cao cờ Ấp Bắc tiến lên Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”…

Bằng những chương trình hành động cụ thể và những nỗ lực của chính quyền các cấp trong việc huy động các nguồn lực Nhà nước, nhân dân cùng thực hiện quyết liệt. Kết quả, đến cuối năm học 1977 - 1978, Tiền Giang là tỉnh đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu xóa mù chữ. Từ sau năm 1978 đến nay, chất lượng công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục của tỉnh được nâng dần theo từng năm.

Theo đó, tháng 10-1996, tỉnh có 95,02% dân số trong độ tuổi từ 15 tuổi đến 35 tuổi đạt chuẩn chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; 86,15% trẻ 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học. Năm 2004, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2006, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; năm 2014, đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Có thể thấy, từ sau năm 1975, giáo dục Tiền Giang thể hiện rõ nét 2 đặc điểm đó là tính thống nhất và hiện đại hóa nền giáo dục. 2 yếu tố của giáo dục được lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm là cơ sở mạng lưới trường lớp và đội ngũ giáo viên. Nếu năm học 1976 - 1977, toàn tỉnh chỉ có 249 lớp mầm non học ghép ở các trường tiểu học; 259 trường phổ thông, thì đến nay toàn tỉnh có 186 trường mầm non, 378 trường phổ thông, 1 trường đại học và 3 trường cao đẳng. 

Về đội ngũ giáo viên, nếu như năm học 1976 - 1977, toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà có 6.616 giáo viên, thì đến nay, toàn ngành có trên 19.500 cán bộ, công chức, viên chức, tăng gần 3 lần so với năm 1976. Số cán bộ, giáo viên có trình độ sau đại học trên 383 người và 100% cán bộ quản lý hoàn thành chứng chỉ về quản lý giáo dục.

Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, có thể tự hào với nền giáo dục tỉnh Tiền Giang khi đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà lịch sử đề ra. Có thể thấy, cùng với nền giáo dục của cả nước, nền giáo dục tỉnh Tiền Giang đã bước vào giai đoạn hiện đại hóa, sẵn sàng cho quá trình đổi mới mà Đảng, Nhà nước đặt ra.

SẴN SÀNG TÂM THẾ ĐỔI MỚI

Thực hiện Nghị quyết 29 ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết 88 ngày 28-11-2014 của Quốc hội “Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, diện mạo toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đạt nhiều kết quả quan trọng.

Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, tính đến thời điểm này, nhìn lại quá trình chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã tập trung thực hiện đạt một số việc: Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở vật chất, trường lớp; thống kê, kiểm tra lại đội ngũ giáo viên; tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

Để có thể triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới thì yếu tố con người là rất quan trọng. Thực tiễn cho thấy, đứng trước yêu cầu đổi mới, đội ngũ giáo viên trong toàn ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã được đào tạo, bồi dưỡng bài bản, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ cũng như vững vàng kỹ năng sư phạm. Nhiều cán bộ, giáo viên trong ngành được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn và trên chuẩn. Số lượng thiếu và thừa giáo viên ở bậc phổ thông cơ bản đã được khắc phục.

Thống kê của ngành GD-ĐT, toàn tỉnh có 19.573 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Trong đó có 18.529 giáo viên và 1.044 nhân viên. Riêng ở cấp tiểu học có 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó tỷ lệ giáo viên trên chuẩn là 83,3%.

Những năm qua, cơ sở vật chất của ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị, thành. So với hơn 10 năm trước, cơ sở vật chất trường lớp của Tiền Giang đã thay đổi rõ rệt. Từ thành thị đến nông thôn, những ngôi trường khang trang dần thay thế những ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp.

Thực hiện Đề án 02 của Tỉnh ủy, ngành GD-ĐT đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 539 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; trong đó có 186 trường mầm non, 182 trường tiểu học, 2 trường tiểu học - mầm non; 7 trường tiểu học - trung học cơ sở, 124 trường THCS, 5 trường THCS - THPT và 33 trường THPT.

Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, trong năm học vừa qua, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng. Riêng ở cấp tiểu học, tỷ lệ phòng học đạt chuẩn ở các huyện, thị, thành đạt trên 89%; có trên 79% trường tiểu học có đầy đủ các phòng chức năng. Toàn tỉnh có 189/191 trường phổ thông có lớp tiểu học tổ chức dạy học từ 6 buổi đến 10 buổi/tuần (chiếm tỷ lệ 98,95%); có 35 trường tổ chức bán trú cho học sinh, chiếm tỷ lệ 18,3%. Toàn tỉnh có 133 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 70,4%.

Những kết quả đạt được của ngành GD-ĐT tỉnh nhà là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo ngành và hơn ai hết đó là sự đồng lòng, nhất trí vào cuộc của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên. Hy vọng, với những kết quả đạt được, toàn ngành GD-ĐT sẽ thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, nhận được sự ủng hộ cao từ dư luận xã hội.

ĐỖ PHI

.
.
.