Thứ Sáu, 10/07/2020, 19:45 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Gỡ khó cho tuyển sinh đào tạo nghề

Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) sau THCS và THPT trong những năm qua là bài toán nan giải cần giải quyết.

Hiện nay, công tác phân luồng cũng như tuyển sinh của các trường nghề trên địa bàn tỉnh có nhiều cải thiện. Số lượng HS theo học ở các trường nghề ngày càng tăng và chất lượng đào tạo của các trường được nâng lên, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, công tác này vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh ngày càng nâng lên.
Chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh ngày càng nâng lên.

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2019, các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh tuyển được 3.010 HS, sinh viên, đạt 97,41% so với kế hoạch đề ra; trong đó trình độ trung cấp 2.000 HS, đạt 104,71%, cao đẳng 1.010 sinh viên, đạt 85,59%. Có 5 trường trung cấp do tỉnh quản lý tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, trong đó Trường Trung cấp Cai Lậy đạt 142,27%...

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Tiền Giang Nguyễn Quang Khải cho biết, năm 2019, nhà trường tuyển sinh 22 ngành nghề trình độ trung cấp, cao đẳng và liên thông cao đẳng với số lượng 978/1.140 chỉ tiêu tuyển sinh được giao, đạt 85,8%. Đối với trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo bồi dưỡng có 376/350 chỉ tiêu tuyển sinh, đạt 107,4%. Đây là con số đáng mừng, bởi trước đây trường  tuyển sinh khá chật vật nhưng hiện nay nhận thức của nhiều HS và phụ huynh về đào tạo nghề có sự chuyển biến nên việc tuyển sinh của trường được thuận lợi hơn.

Theo Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Lê Phước Tân, để có được những kết quả đáng khích lệ trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề là nhờ sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của các sở, ngành, địa phương, các trường và phụ huynh, HS.

Đặc biệt từ khi triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh, với nhiều hoạt động được tổ chức như: Ngày hội việc làm và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy, TX. Gò Công và huyện Cái Bè; hỗ trợ chính sách cho HS khi theo học ở các trường nghề… đã tạo nhiều chuyển biến trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề.

“Để làm tốt công tác tuyển sinh đào tạo nghề thì cần phải tư vấn làm sao cho phụ huynh và HS, nhất là đối với những HS có học lực trung bình, yếu thấy được tầm quan trọng của việc học nghề, những đòi hỏi của thị trường lao động để các em có những tư duy nghề nghiệp nhất định” - đồng chí Tân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh mà chất lượng đào tạo của các trường nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên, với nhiều chương trình đào tạo được cắt bỏ khá nhiều lý thuyết, tăng thời lượng thực hành; đồng thời, thực hiện kết nối với doanh nghiệp để giúp HS tiếp cận thực tiễn. Từ đó, số lượng HS ra trường tìm được việc làm đúng ngành, nghề ngày càng cao. Thống kê cho thấy, năm 2019, có khoảng 90% trong tổng số 1.378 sinh viên cao đẳng tốt nghiệp và 1.379 HS trình độ trung cấp tốt nghiệp tìm được việc làm, thu nhập bình quân khoảng từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.

VẪN CÒN KHÓ KHĂN

Bên cạnh những tín hiệu vui, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên phải kể đến là tâm lý “khoa bảng” vẫn còn ảnh hưởng khá nặng trong phụ huynh, nghĩa là chỉ muốn con em mình học hết THPT là vào đại học. Thống kê cho thấy, hằng năm toàn tỉnh có khoảng 4,89% HS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT để xét tốt nghiệp THPT, còn lại hơn 95% là để xét tuyển đại học, cao đẳng. 

Khó khăn tiếp theo là hiện nay công tác tư vấn hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Đa phần các trường ở bậc trung học trên địa bàn tỉnh thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và thực tế ngành, nghề của xã hội. Công tác tư vấn cho phụ huynh, HS cuối cấp các bậc học THCS, THPT không thường xuyên nên rất khó triển khai các thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Do đó, hầu hết HS không thi đậu vào lớp 10 hay đại học, cao đẳng thường đi tìm việc làm để tự lập sớm.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường nghề tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học công nghệ với sự đòi hỏi bổ sung, thay đổi thường xuyên, trong khi nguồn lực tài chính hết sức hạn hẹp. Việc thừa, thiếu đội ngũ giáo viên dạy nghề dẫn đến không cân đối về chất lượng đào tạo các ngành nghề. Cơ chế thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác đào tạo nghề chưa đủ mạnh nên chưa huy động được nguồn lực xã hội đầu tư cho đào tạo nghề nghiệp.

Theo đồng chí Lê Phước Tân, để nâng chất công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới, cần phải đưa nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh nội dung và tài liệu giảng dạy chương trình hướng nghiệp để HS có thể tiếp cận, tìm hiểu các ngành nghề và thị trường lao động. Đặc biệt, ngành Giáo dục - Đào tạo chú ý cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với HS không trúng tuyển lớp 10 và HS THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

ĐỖ PHI

.
.
.