Chủ Nhật, 12/09/2021, 20:45 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tiếp tục triển khai các giải pháp để dạy và học trực tuyến đi vào nền nếp

(ABO) Cùng với học sinh khối 9 và 12, bắt đầu từ ngày 13-9, các cấp học còn lại sẽ chính thức học trực tuyến cho năm học 2021 - 2022. Để thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” nhằm hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học, ngành Giáo dục Tiền Giang đã triển khai linh hoạt các giải pháp cho việc học trực tuyến. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Quang Trí, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Tiền Giang. 
 
* Phóng viên (PV): Tiến sĩ đánh giá như thế nào trong hơn một tuần triển khai việc dạy và học trực tuyến? 
 
Tiến sĩ Lê Quang Trí , Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang.
Tiến sĩ Lê Quang Trí.
 
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Từ ngày 6-9, học sinh hai khối 9 và 12 đã bắt đầu học trực tuyến. Qua một tuần triển khai, việc dạy và học của giáo viên và học sinh đã dần đi vào nền nếp. Trong tuần đầu tiên này, giáo viên đã triển khai cho học sinh làm quen với trường lớp, ôn lại các kiến thức trọng tâm, giới thiệu chương trình, cách thức tổ chức lớp học… Bên cạnh những thuận lợi, trong tuần học đầu tiên cũng đã nảy sinh một số vấn đề khó khăn như: Đường truyền một vài nơi còn chậm, một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn chưa trang bị kịp thời thiết bị học trực tuyến… 
 
* PV: Thưa Tiến sĩ, ngành Giáo dục đã có giải pháp gì để triển khai việc dạy và học trực tuyến với số lượng gần 300 ngàn học sinh? 
 
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Không chỉ đối với học sinh khối 9 và 12, với các cấp học khác, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường khảo sát nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đề xuất của cha mẹ học sinh, thống kê các trường hợp khó khăn về trang thiết bị học tập để phối hợp với chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh, doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. 
 
Đối với nhóm học sinh gia đình khó khăn không có thiết bị học tập, nhà trường sẽ lập danh sách cụ thể để tham mưu với chính quyền địa phương, kêu gọi các tổ chức và cá nhân hỗ trợ mua thiết bị học trực tuyến cho các em.
 
Đối với nhóm học sinh ở địa bàn “vùng xanh” có thể học theo nhóm 2 - 3 học sinh để chia sẻ thiết bị học tập và giúp nhau cùng tiến bộ.
 
Bên cạnh khối 9 và 12, ngày mai các cấp học còn lại chính thức học trực tuyến.
Bên cạnh khối 9 và 12, ngày mai các cấp học còn lại chính thức học trực tuyến.
 
Đối với nhóm học sinh có cha mẹ không thể kèm cặp, hỗ trợ do bận công việc, nhà trường sẽ tham mưu với chính quyền địa phương để huy động sự tham gia của các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh… Còn đối với học sinh ở địa bàn “vùng xanh” không thực hiện giãn cách, phụ huynh có phối hợp kèm cặp, giúp đỡ cho con em của mình. 
 
Đối với học sinh lớp 1, lớp 2: Kết hợp dạy học trực tuyến trên Internet và dạy học trên truyền hình thông qua kênh truyền hình VTV7 được Bộ GD-ĐT phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm sẽ phối hợp gửi bài giảng qua các ứng dụng mạng xã hội thông qua dụng như Facebook, Zalo, Email…, để phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình học sinh.
 
Thực hiện phương châm “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong đại dịch”, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh trở lại trường học tập trực tiếp, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, phụ đạo, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu hoặc tham gia học tập bị gián đoạn, không đầy đủ, không xuyên suốt trước khi học kiến thức mới.
 
Sở GD-ĐT phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh: VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, VTV Cab, SCTV Cab… có chính sách ưu đãi giảm giá cước, mở rộng dung lượng băng thông kết nối Internet, phủ sóng truyền hình đến tất cả các địa bàn phường, xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. VNPT Tiền Giang tiến hành khảo sát và hỗ trợ lắp đặt miễn phí bộ đầu thu giải mã tính hiệu Set-Top-Box MyTV cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị học trực tuyến (máy tính, điện thoại thông minh) để có thể học trực tuyến qua truyền hình.
 
* PV: Còn đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có trang thiết bị học trực tuyến, giải pháp của ngành Giáo dục ra sao, thưa Tiến sĩ? 
 
* Tiến sĩ Lê Quang Trí: Nhằm góp phần chia sẻ với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới 2021 - 2022, Sở GD-ĐT đã phối hợp với VNPT Tiền Giang, MobiFone Tiền Giang và Viettel Tiền Giang để triển khai chương trình Đồng hành cùng học sinh chào mừng năm học mới. 
 
Theo đó, VNPT Tiền Giang trang bị miễn phí khoảng 6.000 bộ giải mã Set-Top-Box (trị giá 950.000 đồng/bộ) để phục vụ học tập trên truyền hình MyTivi, tặng 5.000 sim 4G miễn phí, miễn phí học tập trực tuyến VNPT Elearning đến hết năm 2021 và thực hiện gói cước ưu đãi cho các em học sinh học tập trực tuyến... 
 
MobiFone Tiền Giang cũng sẽ có chương trình tặng 10.000 sim 4G (tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng) phục vụ truy cập học tập trực tuyến miễn phí, tặng 350 triệu đồng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh khó khăn, miễn phí giải pháp mschool... Viettel Tiền Giang cũng tặng 100 triệu đồng học bổng, miễn giảm 50% gói cước K12Online…
 
Bên cạnh đó, các trường tùy vào điều kiện của mình sẽ vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm ủng hộ các trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh. 
 
Hy vọng rằng, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự ủng hộ của các mạnh thường quân và tinh thần đồng hành của các bậc phụ huynh, việc dạy và học trực tuyến của tỉnh Tiền Giang sẽ đi vào nền nếp, ổn định. 
 
* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!
 
VIỆT PHƯƠNG (thực hiện) 
 
.
.
.