Thứ Bảy, 30/10/2021, 11:20 (GMT+7)
.

Các nghị quyết tạo sức bật cho bậc học mầm non

Tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vừa qua đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng và Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp (KCN). Việc ban hành 2 nghị quyết này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non (GVMN) tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh.

Việc ban hành hai nghị quyết liên quan đến bậc học mầm non được đánh giá là rất kịp thời, gỡ khó cho bậc học này. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho, khi chưa bùng phát dịch Covid-19).
Việc ban hành hai nghị quyết liên quan đến bậc học mầm non được đánh giá là rất kịp thời, gỡ khó cho bậc học này. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Bông Sen, TP. Mỹ Tho, khi chưa bùng phát dịch Covid-19).

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong 5 năm qua, tỉnh Tiền Giang có 57 xã, phường, thị trấn khó tuyển dụng GVMN. Trong 57 đơn vị này có 106 sinh viên không đăng ký tuyển dụng và 98 viên chức quản lý, GVMN xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc; thiếu 14 viên chức quản lý và 206 GVMN so với nhu cầu thực tế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GVMN do công việc vất vả, áp lực, thu nhập thấp, xa nhà…; số lượng giáo viên nghỉ hưu nhiều trong khi đó chưa tuyển dụng được giáo viên mới.

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận định, thiếu GVMN được xem là bài toán nan giải của ngành Giáo dục Tiền Giang trong rất nhiều năm qua. Vì vậy, việc HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết gỡ khó cho bậc học mầm non là cần thiết, nhằm tạo điều kiện bảo đảm cho hoạt động GD-ĐT, giải quyết thực trạng thiếu GVMN tại các địa bàn khó tuyển dụng của tỉnh; từ đó tăng tỷ lệ huy động trẻ, tỷ lệ bán trú, đạt mục tiêu của giáo dục mầm non.

Theo Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý và giáo viên các cơ sở mầm non công lập công tác tại các địa bàn của tỉnh Tiền Giang khó tuyển dụng, giáo viên mới tuyển dụng được phân công công tác tại những địa bàn của tỉnh khó tuyển dụng được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy.

Viên chức quản lý và giáo viên đang công tác tại những địa bàn của tỉnh khó tuyển dụng được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng thực dạy (quản lý). Thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm học 2021 - 2022 đến hết năm học 2023 - 2024 từ ngân sách tỉnh.

Bên cạnh đó, việc ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN; trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân làm việc tại KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng được xem là rất kịp thời, tạo động lực cho bậc học mầm non.

Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non độc lập thuộc đối tượng được quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 105 của Chính phủ được hưởng chính sách hỗ trợ, được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD-ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Mức hỗ trợ 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 8, Nghị định 105 được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng.

Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Còn đối với GVMN làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có KCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang bảo đảm các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 10 Nghị định 105 được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng.

VIỆT PHƯƠNG
 

.
.
.