Thứ Ba, 26/10/2021, 07:40 (GMT+7)
.

Các trường nghề linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, mà còn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, các trường cao đẳng, trung cấp nghề đã linh hoạt thực hiện đồng bộ các giải pháp giảng dạy và tuyển sinh phù hợp để kịp thời thích ứng với  công tác phòng, chống dịch Covid-19.

CHỦ ĐỘNG DẠY VÀ HỌC TRỰC TUYẾN

Một trong những đặc thù lớn nhất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là chú trọng tính thực hành tại nhà xưởng, doanh nghiệp. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đã chuyển sang dạy và học trực tuyến để đảm bảo tiến độ và chất lượng chương trình đào tạo.

Trường Cao đẳng Tiền Giang có 174 giảng viên giảng dạy tại 117 lớp học trực tuyến với hơn 2.500 học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng và trung cấp chính quy tham gia học tập. Giảng viên của trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo từng ngành học.

Để tăng khả năng tiếp cận bài học, bên cạnh các tài liệu và lý thuyết học tập, ở các bộ môn thực hành, giảng viên của trường còn quay video truyền tải kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng đưa vào giáo trình dạy trực tuyến để học sinh, sinh viên nắm những động tác, kỹ năng thực hành một cách cơ bản nhất.

Giáo viên Trường Cao đẳng Tiền Giang dạy trực tuyến.
Giáo viên Trường Cao đẳng Tiền Giang dạy trực tuyến.

Thầy Nguyễn Văn Bên, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng Tiền Giang cho biết, bên cạnh học trực tuyến, học sinh, sinh viên khóa 2019 và 2020 của trường đang trong kỳ thi kết thúc môn học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống Google Classroom, đảm bảo nghiêm túc trong các khâu đề thi, coi thi và chấm thi như hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

“Toàn trường có 40 học sinh, sinh viên thuộc diện gia cảnh khó khăn; trong đó có 25 học sinh trung cấp, 15 sinh viên cao đẳng không có thiết bị học trực tuyến phải mượn của người thân. Nhà trường đã kịp thời lập danh sách gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn tín dụng của Chính phủ để mua sắm thiết bị học tập trực tuyến”, thầy Bên cho biết thêm.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Trường Trung cấp Gò Công chủ động khắc phục khó khăn, linh hoạt triển khai nhiều giải pháp trong quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh. Học sinh nhà trường học trực tuyến đối với những môn học thuộc các khối kiến thức, gồm: Văn hóa THPT; môn chung như chính trị, pháp luật, ngoại ngữ, tin học; lý thuyết và thực hành nghề phù hợp với hình thức trực tuyến.

Việc hướng dẫn thực hành gắn với máy móc, thiết bị, công cụ trên xưởng được tiến hành khi học sinh trở lại trường học tập trực tiếp. Việc thực tập nghề nghiệp được sắp xếp khi các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, trong giai đoạn học tập trực tuyến, các giáo viên của trường đã giới thiệu, hướng dẫn để học sinh nghiên cứu tài liệu chuẩn bị kiến thức cần thiết cho thực hành và thực tập nghề nghiệp.

LINH HOẠT TRONG TUYỂN SINH

Bên cạnh giảng dạy trực tuyến, các trường cao đẳng, trung cấp nghề hiện đang đẩy mạnh công tác tuyển sinh cho năm học mới. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2021, 23 cơ sở có đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh sẽ tuyển sinh 13.058 chỉ tiêu cho các bậc đào tạo nghề.

Trong đó, bậc đại học 1.743 chỉ tiêu, cao đẳng 970 chỉ tiêu, trung cấp 1.845 chỉ tiêu, sơ cấp 2.600 chỉ tiêu và đào tạo dưới 3 tháng là 5.900 chỉ tiêu. Mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng bằng các biện pháp linh hoạt, việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng khả quan.

Dịch Covid-19 đã có những tác động mạnh mẽ không chỉ đối với giảng dạy, mà còn ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên đại bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong khó khăn, đòi hỏi mỗi đơn vị cần phải có cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, những năm qua, các trường nghề của tỉnh đã hình thành hệ thống đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, nhất là các ngành như kinh tế, kỹ thuật, ngoại ngữ... Đa số học viên theo học tại các trường nghề trên địa bàn tỉnh khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định.

THẠC SĨ NGUYỄN QUANG KHẢI, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG TIỀN GIANG

Theo đó, Trường Cao đẳng Tiền Giang đã thiết lập trang tuyển sinh trên Website và các kênh Fanpage, Zalo… của trường; đồng thời, cử cán bộ làm công tác tuyển sinh thường xuyên theo dõi, tư vấn và giải đáp thông tin tuyển sinh cho thí sinh; hỗ trợ đăng ký dự tuyển và hướng dẫn thí sinh làm thủ tục nhập học bằng hình thức trực tuyến.

Theo thống kê của Trường Cao đẳng Tiền Giang, với bậc trung cấp (900 chỉ tiêu), thí sinh đăng ký dự tuyển và trúng tuyển 885 thí sinh, đạt 98,3%, hiện có 70% thí sinh hệ trung cấp đã đăng ký thủ tục nhập học. Còn với bậc cao đẳng (435 chỉ tiêu), có 425 thí sinh đăng ký và trúng tuyển, đạt 97,7%, hiện có hơn 72% sinh viên đã đăng ký nhập học.

Trường Trung cấp Cai Lậy hiện cũng đang nhận hồ sơ đăng ký tuyển sinh đợt 6. Năm học 2021 - 2022, nhà trường tuyển sinh 260 chỉ tiêu thuộc 9 ngành đào tạo. Do dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nên từ kỳ nghỉ hè đến nay, trường áp dụng việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, nhà trường đã phân công trực tiếp giáo viên tư vấn cho thí sinh; đồng thời, thực hiện các ấn phẩm truyền thông số (cẩm nang, tài liệu...) về tư vấn, hướng nghiệp đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với các cơ sở giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang vẫn đang nỗ lực vượt khó trong giảng dạy và công tác tuyển sinh với phương châm “tạm dừng đến trường, không ngừng học”.

Đ. PHI

.
.
.