.

Chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Cập nhật: 10:18, 06/03/2023 (GMT+7)

Bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được ngành Giáo dục xác định là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường học ở Tiền Giang thực hiện thường xuyên và liên tục, đa dạng cách làm đem lại hiệu quả thiết thực, từ đó góp phần định hình những phẩm chất tốt đẹp cho mỗi học sinh.

NHỮNG LO NGẠI

Theo các chuyên gia tâm lý, môi trường học đường được đánh giá là muôn hình vạn trạng các cảm xúc tâm lý của tuổi học trò. Bên cạnh những yếu tố tích cực thì có một thực tế đang báo động là lối sống đạo đức của một bộ phận học sinh đang ngày càng đi xuống.

Cô H.K.N., một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy THCS ở TP. Mỹ Tho trăn trở, dường như càng lên cấp học cao, tỷ lệ học sinh vi phạm đạo đức, lối sống ngày càng nhiều. Bằng chứng cho thấy số lượng học sinh vi phạm đó là sổ đầu bài. Hầu như tuần nào cũng có các vụ việc, nếu không nói tục, chửi thề, gây gổ, đánh nhau… thì cũng có tình trạng mở tài liệu trong khi làm bài kiểm tra, trốn học...

Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường của Trường THPT Chợ Gạo.
Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường của Trường THPT Chợ Gạo.

Còn thầy N.T.M., một giáo viên THCS ở huyện Tân Phước chia sẻ: “Việc đánh nhau không còn là câu chuyện của các nam sinh nữa mà ngay cả nữ sinh cũng đánh nhau. Có lần chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ khi không chỉ bài cho bạn trong lúc làm kiểm tra, đến giờ ra chơi trong lúc đi vệ sinh, một nữ sinh đã hành hung bạn mình, trong khi nữ sinh khác quay lại clip. May mắn là có giáo viên phát hiện can ngăn, xử lý kịp thời, và nếu sự việc không xảy ra trong giờ học mà xảy ra lúc tan trường thì hậu quả sẽ khó lường”.

Khi phân tích nguyên nhân vì sao đạo đức của một bộ phận học sinh hiện nay đang xuống cấp, các chuyên gia tâm lý cho rằng, đó là sự thiếu quan tâm của ba môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện nay, các trường lo lắng và tập trung nhất vẫn là chạy theo điểm số, thi cử, xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Bên cạnh đó, các em học sinh còn bị tác động, ảnh hưởng xấu từ môi trường phim ảnh, mạng xã hội mang tính chất đồi trụy.

TĂNG CƯỜNG HƠN NỮA

Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, toàn ngành GD&ĐT đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác GD&ĐT, đặc biệt quan tâm, chú trọng nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Chính vì vậy, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh một cách thường xuyên và linh hoạt.

Có thể thấy, bằng những giải pháp cụ thể, trong những năm qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực, đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tại các trường học, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ dừng ở những bài học sách giáo khoa, mà các trường còn kết hợp, tạo sự đồng tình của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, liên Đội trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động chào cờ hằng tuần, về nguồn, giáo dục truyền thống, nói chuyện chuyên đề… tạo sức lan tỏa sâu rộng.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Mỹ Tho) Võ Hoài Nhân Trung cho biết: “Nhà trường không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, mà còn đẩy mạnh nhiều hoạt động cụ thể như tổ chức Diễn đàn Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; các diễn đàn đối thoại giữa Ban Giám hiệu với học sinh để lắng nghe, tâm tư tình cảm của học sinh, kịp thời gỡ rối những khó khăn, vướng mắc mà học sinh đang gặp phải. Bên cạnh đó, để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thật sự đi vào chiều sâu, lan tỏa tích cực rất cần sự kết hợp 3 môi trường gia đình, nhà trường và xã hội”.

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hiệu chia sẻ, bằng những điều hết sức đơn giản, các trường trên địa bàn huyện đã giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của trường mình như đi thưa về trình, xếp hàng ngay ngắn, nói lời hay ý đẹp… Những điều này đã giúp cho học sinh nhận thức, hành động đúng, hình thành lối sống đẹp ngay từ khi còn nhỏ. Đặc biệt, các phong trào và hoạt động ngoại khóa thu hút học sinh tham gia đã giúp các em có ý thức, trách nhiệm gắn bó với trường lớp, thân thiện với bạn bè, biết sẻ chia yêu thương.

Có thể thấy, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là vô cùng cần thiết trong môi trường học đường hiện nay. Trong thời gian tới, mong rằng với những cách làm hay, sáng tạo, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sẽ đi vào nền nếp, tạo sự chuyển biến và lan tỏa một cách tích cực.

ĐỖ PHI - NHƯ NGỌC

.
.
.