Thứ Tư, 16/01/2013, 08:25 (GMT+7)
.

Học Bác, làm “ông Bụt” của người nghèo

Ông Nguyễn Văn Lình sinh năm 1938, tham gia cách mạng năm 1960, từng là Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Nam vào năm 1969. Với những đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Người dân xã Thanh Hòa (Cai Lậy) thường gọi ông bằng cái tên thân mật: Ông Năm Lình và nhớ đến hình ảnh một ông lão gầy gò, hay lặn lội đến từng gia đình nghèo khó, bệnh tật ở xã Thanh Hòa để thăm hỏi, động viên rồi tìm cách giúp đỡ.

15 năm phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa, ông Năm Lình làm việc không chỉ bằng nhiệt tình, trách nhiệm, mà còn bằng tấm lòng sẵn sàng sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn.

Ông cho biết, cơ duyên khiến ông gắn bó với người nghèo do ông từng sống trong cảnh chạy gạo từng bữa. Đó là những năm 1970, do gia đình đông con, thiếu đất sản xuất, buộc ông phải xin rời vị trí công tác dù nhiệt tình đóng góp cho cách mạng khiến ông nhiều lần trăn trở.

Về với đời thường, ông vượt qua bằng đôi tay cần cù lao động và ý chí không đầu hàng gian khó. Từ 2 công ruộng hiệu quả kinh tế thấp, gần chục năm sau ông mở rộng diện tích lên 7,5 công đất vườn trồng các loại cây ăn trái. Không chỉ thoát cảnh đói nghèo, ông còn tích lũy để vươn lên khấm khá, lo cho các con học hành, có việc làm ổn định.

Ông Năm Lình đến thăm một “Khu vườn tình thương” tại ấp Thanh Sơn.
Ông Năm Lình đến thăm một “Khu vườn tình thương” tại ấp Thanh Sơn.

Khi cuộc sống đã bớt khó khăn, ông Năm Lình dành thời gian cho các hoạt động xã hội. Năm 1997, ông nhận vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thanh Hòa; đồng thời phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo của xã. Trở lại với công việc ở cái tuổi lẽ ra sống an nhàn bên con cháu, nguyện vọng lớn nhất của ông là tiếp tục đóng góp cho cơ sở bằng khả năng và tấm lòng của mình.

Từng trải qua bĩ cực, ông Năm Lình xác định mục tiêu “Cho người nghèo con cá không bằng cho cái cần câu” và ông đã có nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo vươn lên bằng sức lao động chứ không chỉ bằng sự trợ giúp của cộng đồng.

Là xã nông nghiệp nhưng không phải hộ nào cũng có đất sản xuất, nhiều lao động nữ khi hết mùa vụ rơi vào cảnh thất nghiệp, cái khó cứ quẩn quanh vì không có nguồn thu nhập nào để lo cho sinh hoạt gia đình. Cách giúp đỡ họ thiết thực nhất vẫn là tạo công ăn việc làm ổn định. Năm 2007, ông Năm Lình đề nghị UBND xã Thanh Hòa mở lớp dạy nghề đan đát cho phụ nữ trong xã và ông đích thân liên hệ nơi dạy nghề và nơi  cung ứng nguồn hàng.

Từ 60 học viên ban đầu, sau lớp học, các học viên nhận hàng gia công tại nhà và hướng dẫn lại cho nhau. Mô hình này sau 5 năm thực hiện đã giải quyết việc làm cho hơn 150 lao động, không giới hạn ở chị em phụ nữ mà còn thu hút nhiều lứa tuổi, mức thu nhập trung bình 30.000 - 50.000 đồng/lao động/ngày.

Chị Đào Thị Phượng, một trong những học viên đầu tiên của lớp học dạy nghề, hiện là Tổ trưởng tổ đan đát tại ấp Thanh Hiệp cho biết: “Xã Thanh Hòa phát triển được nghề đan đát là nhờ công của chú Năm Lình. Trước đây tôi và nhiều chị em khác không biết làm gì sau mùa vụ, trong khi kinh tế gia đình còn thiếu thốn. Học được nghề đan đát và có nơi nhận hàng về gia công thường xuyên ai cũng mừng. Bằng sự khéo léo, chăm chỉ vốn có và tranh thủ thời gian rảnh rỗi sau công việc nhà cửa, vườn tược là có thêm khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày cho gia đình”.

Với đối tượng hộ nghèo không còn khả năng lao động vì già yếu, bệnh tật, ông Năm Lình đề xuất xây dựng “Khu vườn tình thương”. Tận dụng khoảng đất trống quanh nhà trước nay bỏ hoang của hộ nghèo, ông vận động những nhà vườn xung quanh chiết những loại cây có sẵn trong vườn để hỗ trợ nguồn cây giống. Không ai khác, khi khai sinh mô hình, ông Năm Lình lại lặn lội đến từng hộ hướng dẫn lên mô rồi đến các nhà vườn xin cây giống để phủ xanh những khu vườn tình thương.

Câu chuyện sau một chặng đường dài lo cho hộ nghèo của ông Năm Lình đã có sức lay động những tấm lòng nhân hậu khác. Những nhà vườn khi nghe mục đích của ông đều hỗ trợ nhiệt tình về cây giống hoặc chi phí mua cây giống. Đến nay, xã Thanh Hòa đã xây dựng 58 khu vườn tình thương với tổng diện tích 1,9ha cho hộ nghèo.

Không chỉ hướng dẫn vun trồng, ông Năm Lình và các thành viên Hội Chữ thập đỏ còn thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc để vườn cây cho hiệu quả. Nhiều khu vườn đã cho trái đầu mùa, vun đắp thêm niềm tin của người nghèo về sự san sẻ của cộng đồng và ước mong cuộc sống bớt đi phần chật vật.

Đã bước sang tuổi thất thập, ông luôn có mặt thường xuyên ở các ấp để tìm hiểu, hướng dẫn những mô hình làm ăn hiệu quả, giúp người nghèo từng bước ổn định cuộc sống. Trên chặng đường cùng vượt khó với người nghèo, những bài học về lòng yêu thương con người của Bác Hồ là tấm gương soi sáng trong ông.

Năm 2006, ông Năm Lình đã nhận Kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng như ghi nhận những đóng góp của ông cho sự nghiệp nhân đạo. Nhưng có một ghi nhận khác đáng quý hơn là người dân xã Thanh Hòa luôn nhắc đến ông Năm Lình như “ông Bụt” của người nghèo. Chỉ khác ông Bụt không bước ra từ chuyện cổ tích với những phép mầu kỳ diệu mà hiện diện giữa đời thực để đến với những hoàn cảnh khó khăn bằng những sẻ chia ấm áp tình người.

QUẾ NGÂN

.
.
.